Bệnh viện đa khoa Đồng Nai là bệnh viện đầu tiên trong tỉnh triển khai phương pháp phục hồi chức năng mới là hoạt động trị liệu, mang lại cơ hội hồi phục cho nhiều bệnh nhân bị tai biến mạch máu não, bị các di chứng về thần kinh do phẫu thuật não, cột sống hoặc do tai nạn lao động.
Bệnh viện đa khoa Đồng Nai là bệnh viện đầu tiên trong tỉnh triển khai phương pháp phục hồi chức năng mới là hoạt động trị liệu, mang lại cơ hội hồi phục cho nhiều bệnh nhân bị tai biến mạch máu não, bị các di chứng về thần kinh do phẫu thuật não, cột sống hoặc do tai nạn lao động.
Các kỹ thuật viên người Nhật và Việt Nam cùng hướng dẫn bệnh nhân làm bài tập tìm hình. Ảnh: An An |
Bà Nguyễn Như Giao, Phó trưởng khoa phục hồi chức năng Bệnh viện đa khoa Đồng Nai, cho biết phục hồi chức năng có 3 lĩnh vực là: vật lý trị liệu, hoạt động trị liệu và ngôn ngữ trị liệu. Trong đó, hoạt động trị liệu rất phát triển ở châu Âu, Mỹ và nhiều nước châu Á. Còn ở Việt Nam, hoạt động trị liệu là một phương pháp khá mới vì hiện nay các trường y, dược đào tạo về phục hồi chức năng ở Việt Nam mới chỉ đào tạo về vật lý trị liệu.
* Bắt đầu từ bài tập về vận động, trí nhớ
Dưới sự hướng dẫn của các tình nguyện viên có tay nghề chuyên môn cao, như: Akiko (người Nhật), Elanie (người Úc), các kỹ thuật viên của khoa phục hồi chức năng Bệnh viện đa khoa Đồng Nai đã được chuyển giao các kỹ thuật của hoạt động trị liệu. Ưu điểm của hoạt động trị liệu nhằm phục hồi chức năng cao cấp của não, giúp các bệnh nhân bị tai biến mạch máu não, chấn thương sọ não có thể phục hồi khả năng vận động, trí nhớ thông qua các bài tập về điều khiển vận động tay, chân; các bài tập về trí nhớ, như: viết, vẽ, xếp hình...
Saito Akiko, tình nguyện viên người Nhật, chia sẻ hoạt động trị liệu đòi hỏi kỹ thuật viên cũng như bệnh nhân phải thực sự kiên nhẫn vì để hồi phục chức năng của não cần nhiều thời gian, không thể một sớm một chiều là khỏi. Niềm vui lớn nhất của Akiko là thấy bệnh nhân có tiến triển mỗi ngày. Mong muốn của Akiko là có thể chuyển giao tất cả các kỹ thuật hoạt động trị liệu cho các kỹ thuật viên của Bệnh viện đa khoa Đồng Nai để giúp bệnh nhân có điều kiện chữa trị và phục hồi sức khỏe tốt hơn. |
Sau 3 tháng điều trị về di chứng co rút bàn tay trái vì bị thép cắt trúng do bị tai nạn lao động, đến nay bàn tay của anh Nguyễn Hồng T., ngụ tại KP.1, phường Bửu Long (TP.Biên Hòa) đã có thể duỗi thẳng ra được, tay trái đã có cảm giác và cầm nắm được. Trước đó, anh T. bị thép cắt đứt mạch máu, gân và thần kinh ở ngay bàn tay trái. Sau khi được phẫu thuật, tay anh lại bị di chứng co rút nên không thể cầm nắm, lao động được. Với các bài tập về vận động và về cảm giác đã giúp anh T. đã bắt đầu cầm nắm nhẹ nhàng lại được.
Anh Trần Quang L. ở KP.2, phường Tam Hòa (TP.Biên Hòa) chia sẻ, sau phẫu thuật chấn thương sọ não do tai nạn lao động, trí nhớ của anh bị hỗn loạn, mất ngôn ngữ nên không thể đọc, viết, làm toán được. Anh đã đi tập vật lý trị liệu ở nhiều nơi, tuy khả năng vận động, đi lại của anh có phục hồi nhưng về trí nhớ và ngôn ngữ vẫn không thể phục hồi nên vẫn không đi làm lại được. Chính nhờ các bài tập về tư duy, về nhận thức thông qua việc tập viết, tìm hình, xếp hình... tại Khoa phục hồi chức năng Bệnh viện đa khoa Đồng Nai, đã giúp anh có thể tập trung suy nghĩ hơn, đầu óc cũng không căng thẳng như trước, bắt đầu nhận biết lại các mặt chữ và biết làm các bài toán đơn giản.
* Hiệu quả hoạt động trị liệu
Bà Nguyễn Như Giao cho biết các bệnh nhân có thể tham gia hoạt động trị liệu là những người bị tổn thương não, như: tai biến mạch máu não, chấn thương sọ não, bệnh nhiễm khuẩn, u não; bệnh lý thoái hóa thần kinh trung ương: Parkinson, xơ cứng rải rác…; chấn thương cột sống; tổn thương bàn tay và chi trên; gãy xương, đứt gân bàn tay, thoái hóa khớp, tổn thương thần kinh ngoại vi…
Kỹ thuật viên người Úc hướng dẫn bệnh nhân tập các bài tập vận động. |
Hoạt động trị liệu có nhiệm vụ luyện tập cho người bệnh các hoạt động tự chăm sóc bản thân trong đời sống và sinh hoạt hàng ngày, giúp người bệnh tái hòa nhập với môi trường sống ở gia đình và cộng đồng. Cụ thể, kỹ thuật viên hoạt động trị liệu sẽ hướng dẫn và tập cho bệnh nhân ở tất cả 3 nhóm của sinh hoạt sống hàng ngày, như: sinh hoạt hàng ngày cho cá nhân như tắm rửa, thay quần áo, vệ sinh cá nhân, ăn uống, tự sử dụng thuốc; sinh hoạt hàng ngày trong nhà như: nấu ăn, quét dọn nhà cửa, giặt ủi quần áo, làm vườn; sinh hoạt hàng ngày trong cộng đồng, như: viết, gọi điện thoại, sử dụng máy vi tính.
Theo bà Nguyễn Như Giao, phục hồi chức năng bằng hoạt động trị liệu là không phải chỉ cải thiện chức năng mà cần phải suy nghĩ cách giúp cho người khuyết tật có cuộc sống tốt hơn. Bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên (vật lý trị liệu và hoạt động trị liệu) và gia đình của bệnh nhân nên phối hợp và thảo luận cùng nhau để hiệu quả điều trị bệnh nhân tốt hơn.
An An