Bệnh tim mạch là bệnh về những rối loạn ảnh hưởng đến tim và các mạch máu, bao gồm: bệnh mạch vành, mạch máu não, tăng huyết áp, nhồi máu cơ tim, đột quỵ…
Bệnh tim mạch là bệnh về những rối loạn ảnh hưởng đến tim và các mạch máu, bao gồm: bệnh mạch vành, mạch máu não, tăng huyết áp, nhồi máu cơ tim, đột quỵ… Bệnh tim mạch có rất nhiều nguyên nhân gây bệnh, chính vì vậy cũng có nhiều yếu tố nguy cơ dẫn đến các bệnh lý về tim mạch, trong đó có hút thuốc lá.
* Các yếu tốc nguy cơ có thể thay đổi
Hút thuốc lá làm tăng nhịp tim, thắt chặt các động mạch lớn và làm cho nhịp tim bất thường, có thể dẫn đến loạn nhịp tim... khiến hoạt động của tim kém hiệu quả và trở nên khó khăn hơn.
Việc hút thuốc cũng làm tăng huyết áp và tăng nguy cơ đột quỵ ở những người đã có sẵn bệnh lý tăng huyết áp. Ngoài nicotine, các hóa chất khác có trong khói thuốc như carbon monoxide cũng có hại cho tim. Những chất này dẫn đến tích tụ mảng bám trong động mạch, ảnh hưởng đến cholesterol và mức fibrinogen - một yếu tố làm đông máu, điều này khiến cho nguy cơ đông máu tăng và có thể dẫn đến đau tim.
Những người hút thuốc lá thụ động (không trực tiếp hút thuốc lá nhưng hít phải khói thuốc lá của người hút thuốc lá ở gần bên) cũng có nguy cơ mắc bệnh tim mạch không kém người hút thuốc lá chủ động.
Ngoài ra, tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu, thừa cân, béo phì hay uống nhiều bia rượu cũng dễ tăng nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch.
* Điều chỉnh các yếu tố nguy cơ
Bệnh tim mạch như tắc động mạch vành, nhồi máu cơ tim, tăng huyết áp… xưa nay vẫn được coi là bệnh của người già, vì quá trình xơ vữa động mạch được diễn ra trong nhiều năm tháng. Tuy nhiên, hiện nay nhiều người trẻ đã sớm “già hóa” trái tim (trừ những người mắc bệnh tim bẩm sinh) do ngồi nhiều, béo phì, ít vận động, nghiện bia rượu, hút thuốc lá. Vì vậy, để duy trì một trái tim mạnh khỏe hãy thực hiện chế độ ăn uống và lối sống lành mạnh, dành mỗi ngày ít nhất 45 phút để luyện tập thể dục thể thao; học cách làm giảm căng thẳng, suy nghĩ lạc quan, vui vẻ; đồng thời kiểm tra sức khỏe định kỳ thường xuyên 6 tháng/lần đối với người có nguy cơ cao và 1 năm/lần đối với người bình thường để phát hiện sớm các bệnh lý nếu có.
* Chế độ ăn uống có lợi cho tim
Giảm ăn đồ ăn chứa nhiều mỡ bão hòa và cholesterol, thay thế mỡ động vật bằng dầu ăn thực vật như dầu oliu, dầu mè, dầu lạc làm tăng lượng cholesterol “tốt” (HDL-C) cho tim; hạn chế uống bia, rượu. Ăn nhiều rau xanh, trái cây, cá, các loại hạt (hạnh nhân, hướng dương, hạt bí, đậu nành…) vì rau củ quả chứa chất làm giảm lượng chất béo mà cơ thể ăn vào. Hạn chế muối đưa vào cơ thể, cách đơn giản nhất là mỗi ngày nên giảm ít nhất 1 gram muối trong khẩu phần ăn của mình. Giảm cân nặng nếu thừa cân, tốt nhất nên giữ vòng bụng dưới 90cm đối với nam giới và dưới 75cm đối với nữ giới.
Đặc biệt, nói không với thuốc lá nếu chưa hút, nếu hút thuốc thì hãy bỏ ngay. Vì việc bỏ thuốc lá là một biện pháp được chứng minh rất hiệu quả để giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch.
Bác sĩ Phạm Quang Huy