Hầu hết các nước trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương đều cam kết sẽ hoàn thành việc chuyển đổi sang truyền hình số trước năm 2015.
Hầu hết các nước trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương đều cam kết sẽ hoàn thành việc chuyển đổi sang truyền hình số trước năm 2015. Nằm trong xu thế trên, Việt Nam cũng phải thực hiện việc số hóa hệ thống truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất để hội nhập thành công trên lĩnh vực truyền hình với thế giới.
Từ giữa năm 2014, các hãng tivi đều đưa ra thị trường các dòng tivi mới có thiết bị DVB-T2. |
Theo Bộ Thông tin - truyền thông, việc số hóa hệ thống truyền dẫn, phát sóng truyền hình mang lại nhiều lợi ích cụ thể, như: nâng cao chất lượng dịch vụ truyền hình với hình ảnh, âm thanh tốt hơn. Truyền hình số hóa mặt đất còn giúp tăng số lượng kênh truyền hình, giảm đầu tư phát triển hạ tầng truyền hình do số lượng máy phát giảm. Truyền hình số hóa mặt đất còn giúp người dân được xem những kênh truyền hình chất lượng cao, như: HDTV, 3D và các dịch vụ tương tác khác.
* Vì sao phải số hóa truyền hình?
Quá trình số hóa truyền hình đã và đang là một xu thế tất yếu trên thế giới. Hiện nay nhiều nước trên thế giới đã và đang hoàn thành việc chuyển đổi sang công nghệ số đối với hệ thống truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất. Các nước ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương đa số đều cam kết hoàn thành việc chuyển đổi này trước năm 2015. Việt Nam cũng phải số hóa truyền hình mặt đất để đảm bảo sự phát triển, hội nhập với lĩnh vực truyền hình của thế giới.
Nhóm giải pháp về công nghệ Theo quy định của Chính phủ, từ ngày 1-1-2012, tất cả các máy thu hình sản xuất và nhập khẩu vào Việt Nam phải tích hợp chức năng thu truyền hình số mặt đất tiêu chuẩn mã hóa tín hiệu hình ảnh và âm thanh MPEG-4 (có hỗ trợ thu MPEG-2 đến năm 2015). Xác định công nghệ truyền dẫn, phát sóng truyền hình số mặt đất, vệ tinh, cáp, di động, internet là công nghệ cao thuộc lĩnh vực công nghệ cao để được ưu tiên đầu tư phát triển. |
Về công nghệ, việc số hóa hệ thống truyền dẫn, phát sóng truyền hình mang lại nhiều lợi ích cụ thể, như: chất lượng dịch vụ truyền hình, hình ảnh, âm thanh tốt hơn so với công nghệ tương tự; tăng số lượng kênh, chương trình truyền hình; giảm đầu tư hạ tầng truyền hình do máy phát giảm; cho phép phát những kênh truyền hình có độ phân giải cao; cho phép sử dụng anten nhỏ hơn, tiêu thụ ít năng lượng hơn góp phần cải thiện mỹ quan đô thị, giảm hiệu ứng nhà kính và thân thiện với môi trường.
Về tài nguyên tần số, số hóa hệ thống truyền dẫn, phát sóng truyền hình giúp giải phóng một phần băng tần đang sử dụng cho truyền hình để chuyển sang sử dụng cho các dịch vụ vô tuyến băng rộng khác, nhằm phát triển hạ tầng băng rộng đáp ứng nhu cầu thông tin phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Theo thông tin từ Sở Thông tin - truyền thông, số hóa hệ thống truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất cho phép hình thành phát triển thị trường truyền dẫn, phát sóng nhằm thu hút các nguồn lực để phát triển hạ tầng kỹ thuật truyền hình trên cơ sở bảo đảm sự quản lý thống nhất có hiệu quả của Nhà nước. Đồng thời, đây là dịp để sắp xếp lại các đài phát thanh, truyền hình trên phạm vi cả nước theo hướng chuyên nghiệp hóa trên cơ sở phân định rõ hoạt động nội dung thông tin với hoạt động truyền dẫn, phát sóng.
* Thời gian số hóa truyền hình
Tại Việt Nam, số hóa truyền hình mặt đất được chia theo lộ trình để thực hiện. Giai đoạn 1 từ năm 2011-2015, tập trung chuyển hoàn toàn sang truyền hình số mặt đất tại 5 thành phố trực thuộc trung ương, gồm: Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ vào trước ngày 31-12-2015. Trên cơ sở thực hiện lộ trình số hóa giai đoạn 1, Ban Chỉ đạo số hóa sẽ tiến hành tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm, báo cáo Thủ tướng để triển khai giai đoạn 2 của lộ trình số hóa.
Năm 2015 phủ sóng truyền hình mặt đất tới 100% dân cư Quyết định 22/2009 của Thủ tướng Chính phủ là đến năm 2015 phải phủ sóng truyền hình mặt đất đến 100% dân cư. Đồng thời, bảo đảm hầu hết các hộ dân có thể thu, xem được các chương trình truyền hình quảng bá. Mạng truyền hình cáp triển khai tại 100% trung tâm các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Từng bước triển khai lộ trình số hóa mạng truyền dẫn, phát sóng truyền hình số mặt đất phù hợp với điều kiện thực tế và thiết bị thu truyền hình của người dân trên từng địa bàn cụ thể. Ngừng phát sóng truyền hình mặt đất công nghệ tương tự để chuyển sang truyền hình mặt đất công nghệ số khi 95% hộ gia đình có tivi thu được các kênh truyền hình quảng bá những phương thức truyền dẫn, phát sóng số khác nhau. |
Giai đoạn 2 được thực hiện từ năm 2015 đến năm 2020. Theo đó, trước ngày 31-12-2016, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Truyền hình kỹ thuật số VTC và các đài truyền hình địa phương ở 26 tỉnh, thành (trong đó có Đồng Nai) phải chuyển hoàn toàn sang truyền hình số mặt đất. Như vậy, Đồng Nai sẽ phải hoàn thành truyền hình số mặt đất chậm nhất là vào cuối năm 2016. Những tỉnh còn lại, một nửa hoàn thành trước ngày 31-12-2018; những tỉnh vùng sâu, vùng xa khó khăn, như: Cao Bằng, Hà Giang, Tuyên Quang, Sơn La, Kon Tum, Đắk Lắk... hoàn thành chậm nhất vào cuối năm 2020.
Bà Nguyễn Thị Hồng, phường Tân Vạn (TP.Biên Hòa) cho biết: “Hiện nay, nhiều gia đình cũng đã chuyển sang sử dụng truyền hình trả tiền nên việc chuyển sang truyền hình số hóa mặt đất bị ảnh hưởng rất ít. Trên một số kênh của Đài Truyền hình Việt Nam đã phát theo chương trình HD thấy hình ảnh rõ nét và âm thanh tốt hơn. Theo tôi, việc số hóa truyền hình mặt đất đem lại chất lượng truyền hình tốt hơn cho người xem thì hầu hết người dân đều ủng hộ”. Còn các nhà sản xuất truyền hình, như: Samsung, Sony, LG, Panasonic... từ đầu năm 2014 đều đã tung ra thị trường các dòng tivi mới có thiết bị thu truyền hình số mặt đất DVB-T2. Như vậy, những khách hàng mua những dòng tivi mới sau này đều không cần phải mua thêm thiết bị thu DVB-T2.
Trên 3.900 tỷ đồng hỗ trợ số hóa truyền hình mặt đất Theo Bộ Thông tin - truyền thông, để số hóa truyền hình mặt đất đúng tiến độ cần nguồn vốn hơn 3.900 tỷ thực hiện 4 chương trình. Trong đó, gồm có hỗ trợ đầu thu truyền hình số mặt đất hơn 1.700 tỷ đồng, nguồn vốn này lấy từ Quỹ dịch vụ viễn thông công ích. Xây dựng và chuyển đổi hạ tầng truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất sang công nghệ số hơn 2.100 tỷ đồng, nguồn vốn này từ doanh nghiệp, vốn ODA cho các vùng sâu, vùng xa, hải đảo, biên giới. Điều tra phương thức thu xem truyền hình và đối tượng hỗ trợ khoảng 72 tỷ đồng. Dành 50 tỷ đồng để thông tin, tuyên truyền về số hóa truyền hình mặt đất. |
Anh Nguyễn Văn Thể, nhân viên tư vấn khách hàng của Công ty TNHH điện tử Samsung Việt Nam tại Siêu thị Chợ Lớn (TP.Biên Hòa), cho biết: “Quy định của Chính phủ là từ ngày 1-4-2014, tivi từ 32 inch trở lên phải có thiết bị thu truyền hình số mặt đất DVB-T2. Tuy nhiên, Samsung và nhiều hãng tivi khác từ cuối năm 2014 đã đồng loạt sản xuất ra các dòng tivi từ 24 inch trở lên đều có thiết bị DVB-T2, giúp khách hàng thuận lợi hơn trong việc xem truyền hình và giảm được một phần chi phí phải mua thiết bị thu”. Hiện giá các dòng tivi mới có thiết bị thu DVB-T2 màn hình LCD, LED 24 inch chỉ xấp xỉ 2 triệu đồng/chiếc, được bán rất nhiều tại các trung tâm, siêu thị, cửa hàng điện máy trên địa bàn tỉnh.
Nguyệt Hạ