Dị vật đường thở và thực quản là một cấp cứu thường gặp. Dị vật đường thở, thực quản xảy ra ở mọi lứa tuổi, tuy nhiên hay gặp ở trẻ nhỏ và người già.
Dị vật đường thở và thực quản là một cấp cứu thường gặp. Dị vật đường thở, thực quản xảy ra ở mọi lứa tuổi, tuy nhiên hay gặp ở trẻ nhỏ và người già.
* Xử trí dị vật thực quản
Theo bác sĩ Lê Thị Phương Trâm, Phó khoa Tai mũi họng Bệnh viện đa khoa Đồng Nai, dị vật thực quản là một cấp cứu có tính chất phổ biến và có thể nguy hiểm đến tính mạng nếu đến muộn và xử trí không đúng cách. Dị vật thực quản thường gặp nhất là hóc xương cá, xương gà, răng giả, thuốc còn vỏ bao hoặc các vật nhỏ, cứng khác. Tuy bệnh ít gây nguy hiểm, nhưng có thể gây các biến chứng, như: rách niêm mạc thực quản, viêm nhiễm, áp-xe thực quản...
Nội soi họng để gắp dị vật thực quản tại Bệnh viện đa khoa Tâm Hồng Phước. |
Bệnh hay gặp ở những người có thói quen vừa ăn vừa đùa giỡn, đang nhai giật mình nuốt chửng thức ăn, bệnh nhân bị mất nhiều răng. Khi bị dị vật thực quản, biểu hiện nuốt đau, vướng cổ, khó chịu, khó thở xuất hiện. Trong những trường hợp này, bệnh nhân nên đến ngay bệnh viện có chuyên khoa tai mũi họng để được kiểm tra bằng nội soi, gắp dị vật đúng cách sẽ tránh được biến chứng. Không nên uống thêm nước để làm trôi dị vật xuống, không cố gắng móc họng nôn dị vật ra, ăn thêm một miếng cơm, miếng thức ăn lớn với hy vọng ấn vật hóc trôi xuống... Như thế sẽ làm cho tình trạng phức tạp hơn.
* Xử trí dị vật đường thở
Là bệnh lý gây ra bởi những vật rơi vào và mắc lại ở đường thở (thanh quản, khí quản, phế quản). Dị vật đường thở nếu không được chẩn đoán sớm và xử trí đúng sẽ dẫn tới các biến chứng nặng nề và có thể tử vong nhanh chóng.
Dị vật thường gặp là các loại: hạt thực vật, các hạt đồ chơi của trẻ, đồng xu, xương động vật, động vật sống như đỉa, giun (khi tắm sông, suối). Khi dị vật rơi vào đường thở, người bệnh lập tức sẽ có triệu chứng khó thở, ho sặc sụa, mặt tím tái trong khoảng từ 3-5 phút. Trong những trường hợp cấp tính, dị vật lọt vào đường thở gây ngạt dẫn đến tử vong nhanh chóng. Vì thế, bệnh nhân phải được đưa đến bệnh viện chuyên khoa tai mũi họng càng sớm càng tốt để nội soi lấy bỏ dị vật.
* Ngăn ngừa hóc dị vật
Theo bác sĩ Trâm, khi ăn không nên vừa ăn vừa đùa giỡn; nên gỡ xương trước hoặc dùng lưỡi lừa xương ra trước khi nuốt. Đối với người già và trẻ nhỏ nên gỡ hết xương trong thức ăn; nhai kỹ; cẩn trọng khi ăn những thức ăn miếng lớn, dạng viên tròn, trơn... Đặc biệt, không cho trẻ nhỏ chơi các loại hạt, đồ chơi có kích thước nhỏ và dạy trẻ không nên ngậm, đút các hạt vào mũi, vào tai... Tuy nhiên, có một số trường hợp do dị vật nhỏ nên không gây ra các phản ứng cấp tính, vì thế dễ bị bỏ qua. Song, theo dõi thấy trẻ có biểu hiện bệnh lý kéo dài: khó thở, khàn tiếng, ho kéo dài, sốt, chảy nước mũi vàng hôi, rỉ nước tai hôi... phụ huynh nên đưa trẻ đến chuyên khoa tai mũi họng để được soi chiếu, phát hiện và xử lý khi có dị vật.
Phương Liễu (ghi)