Báo Đồng Nai điện tử
En

Gia đình trẻ và những nguy cơ “khủng hoảng”

09:08, 29/08/2013

Theo thời gian, những đại gia đình 3-4 thế hệ được thay thế dần bởi những gia đình hạt nhân. Mô hình gia đình trẻ 2 thế hệ có sự năng động hơn, quyền cá nhân được thực hiện đầy đủ hơn...

Theo thời gian, những đại gia đình 3-4 thế hệ được thay thế dần bởi những gia đình hạt nhân. Mô hình gia đình trẻ 2 thế hệ có sự năng động hơn, quyền cá nhân được thực hiện đầy đủ hơn...

Tuy nhiên, hôn nhân gia đình trẻ thời hiện đại cũng không ít sóng gió...

Niềm vui đón con đầu lòng của gia đình trẻ. (ảnh mang tính minh họa). Ảnh: P.Liễu
Niềm vui đón con đầu lòng của gia đình trẻ. (ảnh mang tính minh họa). Ảnh: P.Liễu

“Sức đề kháng” kém

24 tuổi, N.P., ở xã Phước Tân (TP. Biên Hòa) đã phải tảo tần nuôi con một mình. Cuộc hôn nhân của P. đã sóng gió ngay từ thuở 2 người còn đang yêu. N.T., chồng P. cùng 24 tuổi - là người làm ít, nói nhiều, ham chơi. Dù gia đình ngăn cản, nhưng P. vẫn yêu. Đám cưới được tổ chức, song hạnh phúc của 2 người như cơn nắng mùa đông ngắn ngủi, yếu ớt, nhanh chóng nhường chỗ cho những thất vọng. Dù có vợ con và cuộc sống của gia đình nhỏ phụ thuộc vào việc buôn bán của vợ, nhưng T. vẫn không màng. Sau những giận hờn, cự cãi, đánh nhau... cặp vợ chồng trẻ này đã tan vỡ chỉ chưa đầy 2 năm sau ngày cưới.

Kết quả khảo sát mới nhất của Viện Nghiên cứu gia đình và giới, cho thấy có 70% cặp vợ chồng trẻ bước vào đời sống hôn nhân mà không có sự chuẩn bị về kiến thức, tâm lý cũng như kỹ năng làm vợ, làm chồng; 65% thời gian vợ chồng trẻ dành cho việc phát triển kinh tế, học hành, giải trí nhưng không chú trọng đến nỗ lực cùng nhau xây dựng và bảo vệ cuộc sống hôn nhân;  80% bạn trẻ giàu tri thức, nhưng lại thiếu kỹ năng ứng xử, giao tiếp trong gia đình... dẫn đến những rạn nứt trong đời sống vợ chồng ngày càng sâu.

Dù chưa ly hôn, nhưng gia đình trẻ của anh N.D, 28 tuổi và N.K., 25 tuổi (phường Trung Dũng, TP. Biên Hòa) cũng chẳng ngớt sóng gió trong 5 năm sống với nhau. Yêu nhau thời gian khá dài, đám cưới hoành tráng... nhưng sau ngày cưới, cặp vợ chồng này thường xuyên cãi cọ, ghen tuông, tranh chấp. Và dù đã có với nhau 2 mặt con, nhưng dường như cả hai vẫn chưa thực sự trưởng thành đúng nghĩa với vai trò làm cha, làm mẹ. 

Trong một buổi chuyện về gia đình thời hiện đại tại Đồng Nai, chuyên gia tâm lý Lý Thị Mai đã phải sử dụng 2 khái niệm “khủng hoảng” và “sức đề kháng” kém khi nói về thực trạng hôn nhân của những gia đình trẻ. Bà giải thích: “Khủng hoảng” trong hôn nhân gia đình trẻ được hiểu là trạng thái mất thăng bằng khi có những mâu thuẫn, xung đột mang tính xúc phạm, gia đình luôn đối đầu với nguy cơ tan vỡ. Nguyên nhân chính đưa đến “khủng hoảng” và tan vỡ trong hôn nhân gia đình trẻ chính là “sức đề kháng” của những người trẻ hạn chế. Có chuyện gì đó không bằng lòng, mỗi người lập tức “xù lông nhím” lên và thoải mái tuyên bố “anh đường anh, tôi đường tôi”...

Để gia đình trẻ trưởng thành...

Xã hội biến đổi dẫn đến chức năng gia đình cũng biến đổi theo chiều hướng giảm dần nét gia phong truyền thống. Sự “khủng hoảng gia đình” đã và đang phá vỡ hạnh phúc nhiều gia đình, đồng thời để lại không ít hệ lụy cho xã hội.

Bà Lưu Thị Phượng, Phó giám đốc Sở Văn hóa - thể thao và du lịch, chia sẻ: “Sự biến đổi trong xã hội hiện đại dẫn đến nhiều gia đình trẻ cảm thấy lúng túng trong cuộc sống chung”. Một nữ thẩm phán của Tòa án nhân dân TP.Biên Hòa cũng tâm sự: “Trong quá trình thụ lý và hòa giải án ly hôn, nhiều cặp vợ chồng trẻ trình độ học vấn cao, thừa kiến thức xã hội, nhưng lại thiếu hiểu biết và kỹ năng tổ chức cuộc sống gia đình. Họ yêu nhanh, cưới vội và chia tay dễ dàng. Khi chúng tôi hòa giải, họ cũng chỉ đề cao “cái tôi” bị xúc phạm của mình. Vì thế, công tác hòa giải gặp nhiều khó khăn”.

Để gia đình trẻ tránh được những đổ vỡ đáng tiếc, theo bà Lưu Thị Phượng, điều này không chỉ phụ thuộc vào quá trình giáo dục của mỗi gia đình, mà  bản thân mỗi người trẻ khi bước vào đời sống hôn nhân cũng phải biết tự vun đắp hạnh phúc và chăm sóc tổ ấm của mình. “Thời gian tới, chúng tôi sẽ thường xuyên tổ chức các lớp nói chuyện chuyên đề, tư vấn, truyền thông kiến thức tổ chức gia đình, trang bị kỹ năng sống, giao tiếp ứng xử, kỹ năng đối đầu và giải quyết các mâu thuẫn trong gia đình cho những người trẻ... để khi bước vào đời sống hôn nhân gia đình không thấy bỡ ngỡ” - bà Phượng nói.

Phương Liễu

 
 

 

Tin xem nhiều