Báo Đồng Nai điện tử
En

Vận hành đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây: Góp phần tạo đột phá cho huyện Xuân Lộc

08:02, 28/02/2023

Dự án Đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây dự kiến đưa vào vận hành dịp 30-4 năm nay được cho là mở ra nhiều cơ hội phát triển cho H.Xuân Lộc.

Dự án Đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây dự kiến đưa vào vận hành dịp 30-4 năm nay được cho là mở ra nhiều cơ hội phát triển cho H.Xuân Lộc.

Đường cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết đoạn qua H.Xuân Lộc
Đường cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết đoạn qua H.Xuân Lộc

Tận dụng cơ hội và biến đó thành động lực phát triển kinh tế - xã hội là vấn đề đã được địa phương tính toán, chuẩn bị. 

* Nhiều cơ hội mở ra

H.Xuân Lộc có quốc lộ 1 đi ngang qua nhưng tình trạng quá tải, mặt đường xuống cấp làm cho kết nối giao thương với các huyện trong tỉnh, các tỉnh vùng Đông Nam bộ, Nam Trung bộ bị hạn chế. Đường cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết sẽ phá thế độc đạo, đồng thời mở ra nhiều cơ hội cho huyện.

Đơn cử như lĩnh vực nông nghiệp, lâu nay người dân bị thương lái ép giá thanh long bởi địa phương thiếu kho lạnh, thương lái phải đưa về tỉnh Bình Thuận bảo quản, sau đó chở đến cảng biển. Có đường cao tốc, quãng đường ngắn hơn, di chuyển nhanh hơn chắc chắn chi phí vận chuyển sẽ giảm. Không chỉ vậy, giao thông thuận lợi, huyện còn có thể thu hút nhà đầu tư về kho lạnh, nhà máy chế biến, hình thành hệ thống logistics phục vụ nông nghiệp theo mục tiêu sản xuất hàng hóa bền vững đến năm 2025.

Dự án Đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây đã thông xe kỹ thuật vào cuối năm 2022, dự kiến vận hành dịp 30-4-2023. Đường cao tốc này được kết nối với 2 đường cao tốc khác là Dầu Giây - Liên Khương và TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây để tạo mạng lưới giao thương liên vùng đến các sân bay, cảng biển, trung tâm kinh tế.

Chủ tịch UBND xã Xuân Hòa Huỳnh Ngọc Tùng cho biết, địa bàn có quy hoạch khu công nghiệp (KCN) hơn 1,1 ngàn ha. Nếu là trước đây, KCN sẽ khó thu hút nhà đầu tư, nhưng khi có đường cao tốc mọi chuyện sẽ khác.

“Nhiều người băn khoăn về khả năng thu hút nhà đầu tư vào KCN Xuân Hòa. Tôi nghĩ, có đường cao tốc, có các hạ tầng đi kèm, ắt sẽ có nhà đầu tư. Khi đó, hiệu quả sử dụng đất được cải thiện, nhiều việc làm mới được tạo ra, kinh tế - xã hội của địa phương cũng phát triển theo” - ông Tùng chia sẻ.

Nằm ngay giao lộ 765 kết nối lên, xuống với đường cao tốc nên xã Lang Minh có cơ hội phát triển thương mại dịch vụ, du lịch sinh thái.

Chủ tịch UBND xã Lang Minh Đoàn Văn Thiện cho rằng,  đường cao tốc sẽ tạo điều kiện cho các hộ dân gần khu vực đường dẫn có thể chuyển sang làm dịch vụ thương mại. Xã có nhiều đất nông nghiệp, trong đó có diện tích đất lúa bảo vệ nghiêm ngặt, có thể phát triển mô hình cánh đồng sinh thái, vườn cây kiểu mẫu thu hút du khách.

Tới đây, dự án Tỉnh lộ 773 từ xã Xuân Tâm đi sân bay Long Thành được triển khai, xã sẽ có 36ha quỹ đất phụ cận ngay chân núi Đôi để làm khu dân cư thương mại dịch vụ. Đây cũng là lợi thế khai thác du lịch.

Không chỉ Lang Minh, các xã khác cũng có cơ hội phát triển du lịch sinh thái vườn. Huyện dễ dàng thu hút đầu tư cho các dự án du lịch lớn vào núi Chứa Chan, hồ Núi Le, hồ Gia Măng…

Biến lợi thế thành động lực

Cơ hội có, song làm thế nào để biến đó thành động lực cho phát triển kinh tế - xã hội lại phụ thuộc vào địa phương.

Làm việc với huyện mới đây về xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng nhận định, trở thành nơi đáng sống với nông nghiệp, công nghiệp, thương mại du lịch là điều H.Xuân Lộc hoàn toàn có thể nghĩ đến. Vấn đề là địa phương phải có tầm nhìn, có quy hoạch, kế hoạch phát triển phù hợp. Huyện cần xác định trọng tâm nông nghiệp cần phải làm gì, ở đâu. Công nghiệp phát triển thì nhà ở, trường học, chợ, đường giao thông và các nền tảng dịch vụ văn hóa, giải trí sẽ như thế nào.

Chủ tịch UBND H.Xuân Lộc Nguyễn Thị Cát Tiên cho hay, trong tương lai, huyện không chỉ có nông nghiệp và nông thôn mới kiểu mẫu mà công nghiệp, thương mại, du lịch cũng được quan tâm phát triển.

Về nông nghiệp, để tận dụng lợi thế và hướng đến mô hình nông nghiệp hàng hóa bền vững, huyện đã quy hoạch 4 tiểu vùng phát triển nông nghiệp, hình thành các vùng chuyên canh cây trồng, trang trại ứng dụng sản xuất nông nghiệp tốt. Hướng dẫn nông dân sản xuất theo quy trình sạch, hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu hàng hóa, sản phẩm OCOP (chương trình Mỗi xã một sản phẩm).

Địa phương đang phối hợp với các sở, ngành chức năng của tỉnh mời gọi đầu tư hạ tầng các dự án công nghiệp, trong đó có KCN Xuân Lộc (mở rộng 166ha), Cụm công nghiệp Xuân Hưng (mở rộng 63ha), KCN Xuân Hòa hơn 1,1 ngàn ha… Huyện sẽ hỗ trợ tối đa nhà đầu tư trong việc hoàn thiện các thủ tục pháp lý, tiếp cận các chính sách và nguồn vốn ưu đãi.

Bên cạnh các dự án hạ tầng đang và sắp có, huyện kiến nghị UBND tỉnh xem xét, chấp thuận chủ trương đầu tư 3 dự án: Xây dựng tuyến tránh tỉnh lộ 766; Nâng cấp đường Ngô Quyền; Làm cầu vượt trên tuyến quốc lộ 1 đoạn qua KCN để đồng bộ hệ thống giao thông trên địa bàn.

Huyện đã đưa vào quy hoạch sử dụng đất các khu vực hồ, núi có lợi thế để mời gọi đầu tư dự án du lịch nghỉ dưỡng, sinh thái, góp phần thúc đẩy phát triển thương mại dịch vụ. Đồng thời, huyện đề xuất UBND tỉnh cho cập nhật vào quy hoạch vùng tỉnh Đồng Nai dự án Khu phức hợp du lịch sinh thái nghỉ dưỡng khu vực núi Chứa Chan để thuận lợi trong việc thu hút đầu tư.

H.Xuân Lộc là cửa ngõ Đông Bắc tỉnh, là đầu mối giao thương giữa vùng Nam bộ với các tỉnh duyên hải Nam Trung bộ. Dự án Đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây đi vào vận hành sẽ giúp cho lưu thông, vận chuyển hàng hóa thuận lợi hơn. 

Ban Mai

Tin xem nhiều