(ĐN) - Chiều 1-8, Đài Khí tượng thủy văn Đồng Nai cho biết, mực nước đỉnh triều tại trạm Biên Hòa (hạ lưu sông Đồng Nai) có khả năng đạt xấp xỉ mức báo động 2; thấp hơn 0,19m so với mực nước của trận lũ lịch sử là 2,19m (quan trắc được vào ngày 15-10-2000).
(ĐN) - Chiều 1-8, Đài Khí tượng thủy văn Đồng Nai cho biết, mực nước đỉnh triều tại trạm Biên Hòa (hạ lưu sông Đồng Nai) có khả năng đạt xấp xỉ mức báo động 2; thấp hơn 0,19m so với mực nước của trận lũ lịch sử là 2,19m (quan trắc được vào ngày 15-10-2000).
Cảnh báo các vùng thấp ven sông Đồng Nai tại TP.Biên Hòa và các huyện: Vĩnh Cửu, Long Thành, Nhơn Trạch; H.Bắc Tân Uyên, TP.Tân Uyên (tỉnh Bình Dương) và TP.Thủ Đức (TP.HCM) có nguy cơ bị ngập lụt do lũ (triều cường ở hạ lưu). Người dân cần đề phòng khả năng mưa lớn kết hợp với lũ gây ngập lụt, sạt lở bờ sông, suối, các khu vực trũng thấp.
Đến thời điểm này, mực nước tại trạm Tà Lài (sông Đồng Nai) tiếp tục xuống chậm và vẫn còn ở mức cao, dao động ở mức 113,15-113,35m trong ngày 1-8; thấp hơn 0,95-1,15m so với mực nước của trận lũ lịch sử là 114,31m (ngày 22-8-1987).
Mực nước tại trạm Phú Hiệp (sông La Ngà) tiếp tục lên, có khả năng đạt đỉnh lũ ở mức 105,90-106,1m vào ngày 1 đến 2-8; thấp hơn khoảng 1,7-1,9m so với mực nước của trận lũ lịch sử 107,81m (ngày 1-8-1999).
Do đó dễ dẫn đến nguy cơ ngập lụt, khả năng xảy ra các thiên tai khác đi kèm. Những khu vực thấp ven sông Đồng Nai ở các xã: Đak Lua, Nam Cát Tiên, Núi Tượng, Tà Lài, Phú Thịnh (H.Tân Phú) và các xã: Thanh Sơn, Phú Vinh, Phú Tân, Ngọc Định (H.Định Quán); các vùng trũng thấp ven sông La Ngà thuộc các huyện: Tân Phú, Định Quán; H.Tánh Linh và H.Đức Linh (tỉnh Bình Thuận) bị ngập lụt do lũ.
Cấp độ rủi ro thiên tai trên sông Đồng Nai tại thượng lưu là cấp 3; hạ lưu là cấp 1; trên sông La Ngà là cấp 2,5.
Kim Liễu