(ĐN) - Chiều 30-7, theo Đài Khí tượng thủy văn tỉnh, mực nước tại trạm Tà Lài (sông Đồng Nai) tiếp tục lên, có khả năng đạt đỉnh lũ ở mức 113-113,2m trong tối 30-7 đến chiều 31-7; cao hơn 0,4-0,5m so với mức báo động 3 (113m); thấp hơn khoảng 0,8-0,9m so với mực nước của trận lũ lịch sử (114,31m, quan trắc vào ngày 22-8-1987).
(ĐN) - Chiều 30-7, theo Đài Khí tượng thủy văn tỉnh, mực nước tại trạm Tà Lài (sông Đồng Nai) tiếp tục lên, có khả năng đạt đỉnh lũ ở mức 113-113,2m trong tối 30-7 đến chiều 31-7; cao hơn 0,4-0,5m so với mức báo động 3 (113m); thấp hơn khoảng 0,8-0,9m so với mực nước của trận lũ lịch sử (114,31m, quan trắc vào ngày 22-8-1987).
Một vườn cây ăn trái tại xã Hưng Lộc, H.Thống Nhất bị thiệt hại do mưa lũ. Ảnh minh họa: B.Nguyên |
Mực nước tại Trạm Phú Hiệp (sông La Ngà) tiếp tục lên trong 24 giờ tới, có khả năng đạt xấp xỉ mức báo động 2 (105,5m); thấp hơn 2,31m so với mực nước của trận lũ lịch sử (107,81m, quan trắc vào ngày 1-8-1999).
Đài Khí tượng thủy văn tỉnh cảnh báo nguy cơ ngập lụt, khả năng xảy ra các thiên tai khác đi kèm ở những khu vực thấp ven sông Đồng Nai ở các xã: Đắc Lua, Nam Cát Tiên, Núi Tượng, Tà Lài, Phú Thịnh (H.Tân Phú) và các xã Thanh Sơn, Phú Vinh, Phú Tân, Ngọc Định (H.Định Quán); các vùng trũng thấp ven sông La Ngà ở các xã thuộc 2 huyện: Tân Phú, Định Quán; 2 huyện: Tánh Linh và Đức Linh (tỉnh Bình Thuận) có nguy cơ bị ngập lụt do lũ.
Người dân cần đề phòng khả năng mưa lớn kết hợp với lũ gây ngập lụt, sạt lở bờ sông, suối, các khu vực trũng thấp.
Về cấp độ rủi ro thiên tai do lũ trên sông Đồng Nai: cấp 2; sông La Ngà: cấp 1.5. Tác động của lũ trên các sông suối lên nhanh có thể gây ngập lụt các khu vực trũng thấp ven sông suối, ảnh hưởng tới các hoạt động giao thông thủy, nuôi trồng thủy sản, sản xuất nông nghiệp tại các sông suối, bãi sông, bờ suối.
Kim Liễu