Báo Đồng Nai điện tử
En

Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV: Bí mật thông tin, đời tư của mỗi người cần được lưu trữ vĩnh viễn, đảm bảo an toàn

07:06, 22/06/2023

(ĐN) - Chiều 22-6, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Căn cước công dân (sửa đổi). Tại phiên thảo luận đã có 17 đại biểu Quốc hội (ĐBQH) phát biểu, 4 đại biểu tranh luận về nội dung này.

(ĐN) - Chiều 22-6, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Căn cước công dân (sửa đổi). Tại phiên thảo luận đã có 17 đại biểu Quốc hội (ĐBQH) phát biểu, 4 đại biểu tranh luận về nội dung này.

Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV. Ảnh: KIM CHUNG
Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV. Ảnh: CTV

Chi phí cho tích hợp thông tin nhân trắc học lớn cần đánh giá kỹ

Theo đó, các đại biểu đã tập trung thảo luận về: tên gọi của dự thảo luật; đối tượng áp dụng; căn cước điện tử; nguyên tắc quản lý căn cước, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu căn cước; trách nhiệm của cơ quan quản lý căn cước; quyền và nghĩa vụ về căn cước, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu căn cước; người được cấp thẻ căn cước; việc cấp thẻ căn cước cho trẻ em dưới 14 tuổi; nội dung thể hiện trên thẻ căn cước; giá trị sử dụng của thẻ căn cước; trình tự, thủ tục cấp thẻ căn cước; thu hồi, tạm giữ thẻ căn cước…

Trong ngày 22-6, Quốc hội đã biểu quyết thông qua: Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi); Nghị quyết về việc giao danh mục và mức vốn cho các nhiệm vụ, dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; giao, điều chỉnh, bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 và phân bổ kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương năm 2023 của chương trình mục tiêu quốc gia; Nghị quyết về việc thành lập Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội năm 2024; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân.

 

Đại biểu Nguyễn Công Long (Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai) cho rằng, theo quy định của dự thảo thì thông tin nhân trắc học sẽ được tích hợp vào trong cơ sở dữ liệu của căn cước bao gồm có khuôn mặt, vân tay, mống mắt và ADN. Tuy nhiên cần phải đánh giá tính khả thi trong việc tích hợp thông tin ADN. Vì mỗi ca thực hiện việc xác nhận liên quan đến chỉ số này chi phí rất lớn nên cần phải đánh giá. Ngoài ra còn đặt ra yếu tố trong quản lý về mặt xã hội lẫn các yếu tố khác để đảm bảo bảo mật, chặt chẽ vấn đề này.

Theo đại biểu Long, tại Khoản 2, Điều 30 của dự thảo, đối tượng bị tạm giữ thẻ căn cước bao gồm có người chấp hành án phạt tù. Nếu quy định như này thì lại tự mâu thuẫn với luật đã ban hành. Theo quy định tại Khoản 1, Điều 27, Luật Thi hành án hình sự quy định, 10 nhóm quyền của phạm nhân, trong đó có quyền tại Điểm e thì "phạm nhân được tự mình hoặc thông qua người đại diện thực hiện các giao dịch dân sự". Phạm nhân chỉ bị hạn chế quyền tự do thân thể, tự do cư trú và tự do đi lại, còn các quyền dân sự khác vẫn được bảo vệ.

Phó bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai Quản Minh Cường tại phiên thảo luận vào ngày 22-6. Ảnh: KIM CHUNG
Phó bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai Quản Minh Cường tại phiên thảo luận vào ngày 22-6. Ảnh: CTV

Đại biểu phân tích, trong khi luật vẫn cho phép được giao dịch dân sự, bây giờ nếu thu thẻ căn cước thì giao dịch bằng phương tiện nào, có ngân hàng nào cho phép phạm nhân giao dịch, có hợp đồng nào chấp nhận là không có căn cước mà vẫn được giao dịch hay không?

“Do đó, tôi đề nghị cơ quan soạn thảo phải rà soát rất kỹ điều này vì có sự chồng chéo với các luật” - đại biểu cho hay.

Ngày 23-6, buổi sáng, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Đấu thầu (sửa đổi); thảo luận ở hội trường về dự án Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự. Buổi chiều, Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn (sửa đổi); thảo luận ở hội trường về dự án Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi).

Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Thị Huế (Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn) phân tích, hiện nay các cơ sở dữ liệu thông tin của công dân sẽ được số hóa quản lý và lưu trữ bằng cơ sở hạ tầng thông tin để phục vụ quản lý nhà nước và giao dịch của các cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Do đó, cần có nguyên tắc để đảm bảo an toàn, bảo mật thông tin cho người được cấp căn cước công dân.

Đại biểu cũng đề nghị bổ sung nội hàm của nguyên tắc thứ 3 như sau: Thu thập, cập nhật thông tin, tài liệu đầy đủ, chính xác, kịp thời, quản lý tập trung, thống nhất, chặt chẽ, an toàn, duy trì khai thác, sử dụng hiệu quả, đảm bảo đúng mục đích, thẩm quyền, nhiệm vụ được giao và lưu trữ lâu dài.

Đại biểu Nguyễn Công Long, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai tham gia ý kiến tại phiên thảo luận. Ảnh: KIM CHUNG
Đại biểu Nguyễn Công Long, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai tham gia ý kiến tại phiên thảo luận. Ảnh: CTV

Việc quản lý căn cước cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và cơ sở dữ liệu căn cước liên quan đến bí mật đời tư của mỗi cá nhân. Do đó, đại biểu cho rằng, cần phải xác định đây là tài sản của Nhà nước và cần được lưu trữ vĩnh viễn, đảm bảo an toàn.

Bảo đảm bí mật thông tin của các tổ chức, cá nhân trong sử dụng dịch vụ viễn thông

Trước đó, buổi sáng cùng ngày, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Viễn thông (sửa đổi).

Tại phiên thảo luận, các đại biểu đã tập trung thảo luận về: phạm vi, đối tượng điều chỉnh, nội hàm của các hoạt động viễn thông, đặc biệt là việc mở rộng phạm vi điều chỉnh đối với các lĩnh vực mới như dịch vụ viễn thông cơ bản trên Internet, OTT, dịch vụ trung tâm dữ liệu và dịch vụ điện toán đám mây; chính sách, điều kiện kinh doanh, quản lý đối với các dịch vụ mới;  tính thống nhất, đồng bộ của dự án luật với pháp luật có liên quan, tính tương thích, phù hợp với các điều ước quốc tế, khái niệm, giải thích từ ngữ "hành vi bị cấm".

Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai tại phiên thảo luận ngày 22-6. Ảnh: KIM CHUNG
Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai tại phiên thảo luận ngày 22-6. Ảnh: CTV

Các đại biểu cũng nói về bảo mật thông tin cá nhân, trách nhiệm trong việc thu thập, trao đổi, cung cấp thông tin liên quan đến người sử dụng dịch vụ viễn thông, quản lý SIM rác, thông tin thuê bao và dịch vụ thông tin khẩn cấp; quản lý nhà nước, nội dung quản lý nhà nước, quyền hạn, trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, UBND các cấp trong quản lý viễn thông, hiệu lực thi hành, điều khoản chuyển tiếp và kỹ thuật lập pháp…

Thanh Hải (tổng hợp)

Tin xem nhiều