(ĐN)- Ngày 20-4, tại kỳ họp thứ 11 - kỳ họp chuyên đề HĐND tỉnh khóa X, HĐND tỉnh đã thông qua Nghị Quyết quy định chế độ hỗ trợ đối với lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2023-2027.
(ĐN)- Ngày 20-4, tại kỳ họp thứ 11 - kỳ họp chuyên đề HĐND tỉnh khóa X, HĐND tỉnh đã thông qua Nghị Quyết quy định chế độ hỗ trợ đối với lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2023-2027.
Đoàn giám sát của HĐND tỉnh khảo sát nguyện vọng của lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng tại Ban Quản lý rừng phòng hộ Xuân Lộc, H.Xuân Lộc trước kỳ họp. Ảnh: Thành Nhân |
Theo nghị quyết, đối tượng được hưởng hỗ trợ là viên chức giữ chức danh nghề nghiệp chuyên ngành quản lý bảo vệ rừng làm việc tại các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Sở NN-PTNT và UBND H.Xuân Lộc; viên chức giữ chức danh nghề nghiệp chuyên ngành quản lý bảo vệ rừng làm việc tại Khu bảo tồn Thiên nhiên - văn hoá Đồng Nai chưa được hưởng chế độ phụ cấp ưu đãi nghề, phụ cấp thâm niên nghề theo các quy định hiện hành của Chính phủ về kiểm lâm và lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng.
Mức hỗ trợ đối với viên chức giữ chức danh quản lý bảo vệ rừng (hạng II, hạng III) là 2,8 triệu đồng/người/tháng. Đối với viên chức giữ chức danh kỹ thuật viên bảo vệ rừng (hạng IV), mức hỗ trợ là 2 triệu đồng/người/tháng.
Kinh phí thực hiện từ nguồn ngân sách tỉnh theo phân cấp ngân sách hiện hành. Dự kiến tổng số tiền chi hỗ trợ giai đoạn 2023-2027 hơn 34 tỷ đồng. Hiệu lực thi hành tại Nghị quyết này được áp dụng cho đến khi thực hiện cải cách tiền lương theo Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 Ban chấp hành Trung ương khoá XII.
Theo tờ trình của UBND tỉnh, Đồng Nai hiện có hơn 172 ngàn ha đất có rừng, là địa phương có diện tích rừng lớn nhất khu vực Đông Nam bộ. Do điều kiện làm việc khó khăn, nhiều nguy hiểm, trong khi mức thu nhập thấp (bình quân 5 triệu đồng/người/tháng) nếu không kịp thời hỗ trợ thì tình trạng lực lượng quản lý, bảo vệ rừng nghỉ việc hoặc xin chuyển công tác sẽ tiếp tục gia tăng và không tuyển dụng được viên chức quản lý bảo vệ rừng.
Phạm Tùng