(ĐN) - Ngày 8-11, tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, Sở Y tế phối hợp với Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người (thuộc Bộ Y tế) và Hội Chữ thập đỏ tỉnh tổ chức chương trình bồi dưỡng kiến thức về hiến, lấy, ghép tạng năm 2022 tại Đồng Nai.
(ĐN) - Ngày 8-11, tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, Sở Y tế phối hợp với Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người (thuộc Bộ Y tế) và Hội Chữ thập đỏ tỉnh tổ chức chương trình bồi dưỡng kiến thức về hiến, lấy, ghép tạng năm 2022 tại Đồng Nai.
Trao thẻ đăng ký hiến mô, tạng cho các tình nguyện viên trên địa bàn tỉnh Đồng Nai |
Các đại biểu tham dự chương trình đã được nghe TS.Nguyễn Hoàng Phúc, Phó giám đốc Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người trình bày tình hình ghép tạng tại Việt Nam và trên thế giới; những quy định pháp luật Việt Nam về hiến, lấy, ghép mô, tạng; hoạt động phối hợp tuyên truyền, vận động hiến tặng mô, tạng tại Việt Nam - vai trò của Hội Chữ thập đỏ và các tổ chức xã hội.
Theo đó, ghép tạng là một trong những thành tựu lớn nhất của nhân loại thế kỷ XX. Trên thế giới, việc ghép tạng được bắt đầu từ năm 1954, ban đầu là ghép thận, sau đó đến tụy, gan, tim, ruột, phổi. Tại Việt Nam, mãi đến năm 1992 mới bắt đầu ghép thận, năm 2010 ghép tim và đến 2020 đã ghép được ruột non. Trong 30 năm qua, Việt Nam đã thực hiện hơn 7 ngàn ca ghép tạng. Qua đó, đem đến cơ hội sống cho hàng ngàn người.
Riêng tại Đồng Nai, lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai cho biết, dự kiến trong thời gian tới, bệnh viện sẽ triển khai ghép thận.
Trong chương trình, Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người (Bộ Y tế) đã trao thẻ đăng ký hiến mô, tạng do Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM cấp cho 14 cá nhân trong tổng số 240 cá nhân của tỉnh Đồng Nai đăng ký hiến mô, tạng.
Hạnh Dung