(ĐN) - Ngày 1-10, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì hội nghị trực tuyến Chính phủ với các bộ, ngành, địa phương về tình hình kinh tế - xã hội 9 tháng năm 2022.
(ĐN) - Ngày 1-10, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì hội nghị trực tuyến Chính phủ với các bộ, ngành, địa phương về tình hình kinh tế - xã hội 9 tháng năm 2022.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương và Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9 năm 2022 - Ảnh: VGP |
Tại điểm cầu Đồng Nai, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng chủ trì hội nghị.
Trong 9 tháng qua, nền kinh tế thế giới tiếp tục suy giảm, lạm phát tăng cao nhưng Việt Nam vẫn giữ ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng. GDP 9 tháng tăng 8,83% (cao nhất trong hơn 10 năm qua), lạm phát được kiểm soát ở mức hơn 2,7%, tỷ giá, lãi suất, thị trường ngoại tệ ổn định. Thu ngân sách nhà nước 9 tháng đạt 94% dự toán, tăng 22%. Xuất nhập khẩu đạt gần 559 tỷ USD, tăng 14,2%, xuất siêu hơn 6,5 tỷ USD. Nông nghiệp tăng gần 3%, công nghiệp - xây dựng tăng hơn 9,4%; dịch vụ tăng gần 10,6%. Vốn đầu tư toàn xã hội đạt trên 2,1 triệu tỷ đồng, tăng 12,5% so cùng kỳ. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt trên 15,4 tỷ USD, tăng hơn 16%. Từ đầu năm đến nay, có trên 163 ngàn doanh nghiệp thành lập mới và trở lại hoạt động, tăng 38,6%. Tổng số vốn đăng ký mới và đăng ký bổ sung trên 3,9 triệu tỷ đồng, tăng 36%. Hầu hết các tỉnh, thành đều giữ mức tăng trưởng khá so với cùng kỳ năm trước…
Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, quý IV-2022 là thời gian “nước rút” để “về đích”. Do đó, các bộ, ngành, địa phương phải khắc phục khó khăn, vượt qua thách thức, tiếp tục thực hiện các giải pháp linh hoạt, phù hợp, sáng tạo, hiệu quả theo chủ đề "Đoàn kết kỷ cương, chủ động thích ứng, an toàn hiệu quả, phục hồi phát triển". Trong đó, tập trung vào tiêm vaccine phòng Covid-19, bảo đảm đủ thuốc, trang thiết bị y tế. Theo dõi sát diễn biến thị trường, bảo đảm cân đối cung cầu, ổn định giá cả, tiếp tục phát triển mạnh thị trường trong nước, đẩy mạnh xuất khẩu. Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; thúc đẩy ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số, phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn để hướng đến nền kinh tế phát triển bền vững. Chính phủ sẽ hoàn thiện các cơ chế, chính sách, kịp thời giải quyết những khó khăn vướng mắc của các địa phương. Đồng thời, phân cấp, phân quyền để các địa phương chủ động trong thực hiện các mục tiêu về kinh tế - xã hội.
Sản xuất nến xuất khẩu tại Công ty TNHH Quốc tế Fleming Việt Nam ở Khu công nghiệp Amata (TP.Biên Hòa). Ảnh: Tư liệu |
Tại Đồng Nai, từ đầu năm tỉnh đã triển khai các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn, từng bước tháo gỡ khó khăn. Trong 9 tháng đầu năm 2022, GRDP của tỉnh tăng hơn 8,6% so cùng kỳ năm 2021, dự kiến cả năm tăng trên 8,5%. Sản xuất công nghiệp phục hồi nhanh, chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp tăng hơn 7,8% so với cùng kỳ năm trước, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước tăng gần 22,7%. Kim ngạch xuất khẩu cuả tỉnh đạt 19,3 tỷ USD và tỉnh xuất siêu gần 4,3 tỷ USD; thu ngân sách gần 48,1 ngàn tỷ đồng đạt 87% so với dự toán năm. Dự báo trong những tháng cuối năm, tình hình sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh sẽ khó khăn do đơn hàng giảm mạnh, doanh nghiệp giảm sản xuất; tiến độ giải ngân đầu tư công; thu hút đầu tư trong nước và nước ngoài đạt thấp so với cùng kỳ. Nguyên nhân do còn nhiều vướng mắc giữa các Luật Đầu tư, Đất đai, Quản lý tài sản công chưa được tháo gỡ kịp thời; quỹ đất công nghiệp sẵn có của tỉnh đã hết…
Uyển Nhi