Báo Đồng Nai điện tử
En

Nghiên cứu, tiếp thu kỹ lưỡng, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi)

07:10, 24/10/2022

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, sáng 24-10, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), đồng thời tiến hành thảo luận tại hội trường. Phó chủ tịch thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn điều hành phiên họp.

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, sáng 24-10, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), đồng thời tiến hành thảo luận tại hội trường. Phó chủ tịch thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn điều hành phiên họp.

Đại biểu Trịnh Xuân An, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai, phát biểu tại phiên họp sáng 24-10
Đại biểu Trịnh Xuân An, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai, phát biểu tại phiên họp sáng 24-10. Ảnh: TTXVN

Tại phiên họp, đã có 25 ý kiến đại biểu Quốc hội (ĐBQH) phát biểu và 3 ý kiến đại biểu tranh luận; trong đó, Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai có 2 đại biểu phát biểu.

Liên quan đến quy định về tự chủ, đại biểu Trịnh Xuân An (Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai) cho biết, trong 121 điều nhưng cụm từ “tự chủ” chỉ được đề cập một lần tại Điều 106, đó là chi của ngân sách cho tự chủ, trong khi vấn đề này được nhiều ĐBQH quan tâm, cho ý kiến. Đại biểu cho rằng, cần có một chương, một mục riêng về cơ chế tự chủ, bởi tự chủ giống như một dòng sông được khơi thông thì con thuyền là các bệnh viện công đi trên đó an toàn và tiện lợi, nếu không cẩn thận thì rất dễ đánh đắm con thuyền đó.

Góp ý về xã hội hóa, đại biểu Trịnh Xuân An cho biết, nội dung cũng được nhiều ĐBQH quan tâm. Theo đó, trong Chương 10 về cơ chế bảo đảm có 9 điều nhưng tới 5 điều giao cho Chính phủ quy định cụ thể. Đại biểu nhấn mạnh, cơ chế đảm bảo giống như công tác hậu cần kỹ thuật, đi trước và về sau, vì vậy rất cần quan tâm đến nội dung này.

Về xã hội hóa cần nêu các quy định cụ thể, không nên quy định như dự thảo luật chỉ quy định mang tính chất nguyên tắc. Đại biểu chưa đồng tình với quy định về vay vốn để đầu tư công trình hạ tầng, thiết bị y tế, theo đại biểu nội dung này không phải là xã hội hóa, cần cân nhắc. Đối với quy định là tài trợ từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước cần quy định khi tài trợ xong phải thành tài sản công để dễ quản lý. Bên cạnh đó, nhiều quy định trong dự thảo luật vẫn còn vướng mắc, chưa rõ ràng, nhất là quy định về đấu thầu, mua sắm trang thiết bị.

Đại biểu Trịnh Xuân An cho rằng, dự thảo luật còn nhiều nội dung cần tiếp tục hoàn chỉnh, còn ý kiến khác nhau. Do vậy, để chuẩn bị cho thật tốt, thật chu đáo nên cân nhắc đến kỳ họp sau thông qua dự án luật.

Tham gia thảo luận tại hội trường, đại biểu Nguyễn Công Long (Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai) đặt vấn đề, có nên thông qua dự án luật tại kỳ họp này không, hay tiếp tục thảo luận tại một kỳ họp nữa để bổ sung các nội dung đối với một dư án luật lớn, quan trọng; nhiều chính sách lớn cần đánh giá tác động như dự luật này.

Đại biểu Nguyễn Công Long cho rằng, các quy định về trách nhiệm của các tổ chức xã hội nghề nghiệp chưa rõ ràng, chưa hợp lý, còn bất cập. Các tổ chức xã hội nghề nghiệp được huy động nguồn lực để trực tiếp hành nghề, trong khi chưa quy định rõ về việc đảm bảo điều kiện hành nghề, các quy định trong dự án luật về nội dung này còn mâu thuẫn. Đại biểu đề nghị cần rà soát, nghiên cứu kỹ để đảm bảo dự án luật đạt được hiệu quả khi được chính thức ban hành.

Đại biểu cho rằng, cần bổ sung chương, mục quy định rõ về cơ chế tự chủ của bệnh viện, cơ sở y tế để giải quyết những vướng mắc cơ chế hiện nay. Về xã hội hóa y tế, đại biểu cho rằng nên giao quyền quy định chi tiết cho Chính phủ…

Kết luận phiên họp, Phó chủ tịch thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, các ý kiến góp ý của các ĐBQH sẽ được tổng hợp đầy đủ để nghiên cứu, tiếp thu. Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ phối hợp với Chính phủ chỉ đạo cơ quan chủ trì soạn thảo, cơ quan chủ trì thẩm tra nghiên cứu, tiếp thu kỹ lưỡng, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo luật và trình xin ý kiến Quốc hội, đảm bảo yêu cầu chất lượng cao nhất, đồng thời đảm bảo tính khả thi, đáp ứng yêu cầu cấp bách của thực tiễn, cũng như tính ổn định khi được Quốc hội thông qua.

Chiều cùng ngày, Quốc hội thảo luận ở tổ về: dự thảo Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi); dự án Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi); dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thời hiệu xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức.

Lâm Viên (tổng hợp)

Tin xem nhiều