Báo Đồng Nai điện tử
En

Hoàn thiện đồng bộ, có chất lượng hệ thống pháp luật

04:11, 03/11/2021

(ĐN)- Sáng 3-11, tại Nhà Quốc hội đã diễn ra hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai thực hiện Kết luận 19-KL/TW của Bộ Chính trị về định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV...

(ĐN)- Sáng 3-11, các đồng chí: Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Đảng đoàn Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội; Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư; Phạm Bình Minh, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ; Phan Đình Trạc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Nội chính Trung ương đã đồng chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai thực hiện Kết luận 19-KL/TW của Bộ Chính trị về định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV.

Đồng chí Quản Minh Cường, Phó bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh chủ trì hội nghị tại điểm cầu Đồng Nai
Đồng chí Quản Minh Cường, Phó bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh chủ trì hội nghị tại điểm cầu Đồng Nai

Đồng chí Quản Minh Cường, Phó bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh chủ trì hội nghị tại điểm cầu Đồng Nai. Cùng dự có Chủ tịch HĐND tỉnh Thái Bảo; Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Hoàng…

Phát biểu tại hội nghị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng nêu rõ, để duy trì trật tự, kỷ cương xã hội, tạo hành lang pháp lý cho quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Đảng ta từ khi cầm quyền luôn coi trọng công tác xây dựng pháp luật. Đến nay, nước ta đã có được hệ thống pháp luật cơ bản đầy đủ, đồng bộ, thống nhất, tạo hành lang pháp lý để phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đẩy mạnh hội nhập quốc tế, góp phần quan trọng vào việc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng. Tuy nhiên, so với thực tiễn phát triển của đất nước, hệ thống pháp luật vẫn còn có những hạn chế.

Cũng theo Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng, quán triệt, cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Bộ Chính trị đã xác định mục tiêu của công tác xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội Khoá XV là hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển, tạo lập khuôn khổ pháp lý để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025 và 12 định hướng phát triển đất nước, 6 nhiệm vụ trọng tâm, 3 đột phá chiến lược đã được Đại hội XIII của Đảng đề ra. Ngày 14-10-2021, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 19-KL/TW về định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV. Đây là một chủ trương quan trọng, là cơ sở để Quốc hội thực hiện tốt chức năng lập pháp trong nhiệm kỳ này.

Chỉ đạo về việc triển khai thực hiện kết luận này, Thường trực Ban Bí thư nhấn mạnh, trong quá trình xây dựng, ban hành luật, phải thận trọng, chắc chắn, chuẩn bị sớm, làm tốt từng khâu, đặt yêu cầu cao về chất lượng, không chạy theo số lượng; lấy quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, doanh nghiệp và lợi ích quốc gia, dân tộc làm trọng tâm; tăng cường giám sát, kiểm soát việc thực hiện quyền lực nhà nước; thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Đồng thời, cần phải bám sát và đáp ứng kịp thời yêu cầu của thực tiễn, giải quyết những vấn đề mới nảy sinh; phải bình tĩnh, nghiên cứu, dự báo thấu đáo, khoa học những vấn đề của thực tiễn đặt ra, không nóng vội, chủ quan, chạy theo dư luận xã hội…

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ thì cho biết, với 8 nhóm định hướng lớn, 70 định hướng cụ thể, Đề án của Đảng đoàn Quốc hội đã bám sát chủ trương, đường lối Đại hội XIII và các văn kiện khác của Đảng, đề ra 137 nhiệm vụ lập pháp cụ thể cần thực hiện trong nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV. Mục tiêu hướng tới là nhằm hoàn thiện đồng bộ, có chất lượng hệ thống pháp luật, tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, lành mạnh, công bằng cho mọi thành phần kinh tế, thúc đẩy đổi mới sáng tạo; huy động, quản lý và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, đây là lần đầu tiên, Bộ Chính trị có kết luận định hướng xây dựng pháp luật cho cả một nhiệm kỳ và là định hướng hết sức quan trọng để Quốc hội và các cơ quan chủ động hơn, vào cuộc từ sớm, từ xa, phối hợp chặt chẽ, bảo đảm tiến độ, chất lượng xây dựng pháp luật. Việc triển khai thực hiện Kết luận này của Bộ Chính trị và Đề án Định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV là nhiệm vụ chính trị trọng tâm không chỉ của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và đại biểu Quốc hội trong nhiệm kỳ này mà còn là trách nhiệm, nhiệm vụ quan trọng cần ưu tiên hàng đầu của tất cả các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương.

Để bảo đảm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII, Kết luận số 19-KL/TW của Bộ Chính trị và Định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV, Chủ tịch Quốc hội đã lưu ý lãnh đạo các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị, các cấp, các ngành từ trung ương đến địa phương, các đại biểu Quốc hội một số vấn đề trong quá trình triển khai thực hiện các nhiệm vụ lập pháp được giao.

Trong đó, Chủ tịch Quốc hội lưu ý, cần chú trọng nâng cao nhận thức về vai trò, ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác xây dựng pháp luật, hoàn thiện thể chế, không ngừng nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác lập pháp. Trong xây dựng pháp luật, cần phải ưu tiên cao nhất cho chất lượng, kiên quyết không chạy theo số lượng, cố gắng khắc phục cơ bản những tồn tại, bất cập đã được các cơ quan nhận diện và chỉ ra trong quá trình tổng kết, xây dựng Đề án.

“Cần quan tâm chống tiêu cực ngay trong công tác xây dựng pháp luật, không để xảy ra việc lồng ghép “lợi ích nhóm”, “lợi ích cục bộ” của cơ quan quản lý nhà nước trong văn bản luật; quan tâm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân và doanh nghiệp, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Đây là yêu cầu hết sức quan trọng…” - Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.

Hồ Thảo

Tin xem nhiều
hướng dẫn khởi kiện khởi kiện nhanh luật sư nổi tiếng tphcm về đất đai