Sáng 14-8, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng chủ trì cuộc họp với các Sở, ban, ngành, đơn vị liên quan để hoàn thiện Chiến lược phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới.
Sáng 14-8, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng chủ trì cuộc họp với các Sở, ban, ngành, đơn vị liên quan để hoàn thiện Chiến lược phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới. Cùng dự có Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Hoàng; TS-BS.Nguyễn Đức Sơn, Phó viện trưởng Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường, Tổ trưởng tổ công tác của Bộ Y tế tại Đồng Nai.
Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng phát biểu tại cuộc họp |
* Xét nghiệm khoảng 2,1 triệu người
BS CKII.Bạch Thái Bình, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã báo cáo dự thảo kế hoạch xét nghiệm Covid-19 diện rộng toàn tỉnh những ngày tới. Mục tiêu của chiến dịch xét nghiệm là 100% người dân tại vùng nguy cơ rất cao, nguy cơ cao, 100% đại diện hộ gia đình tại vùng nguy cơ và 20% đại diện hộ gia đình vùng bình thường mới được lấy mẫu xét nghiệm tầm soát. Ước tính, có khoảng 2,1 triệu người được lấy mẫu xét nghiệm. Thời gian từ ngày 14-8 đến ngày 31-8-2021.
Theo đó, đối với xã/phường có nguy cơ rất cao sẽ lấy mẫu toàn dân 3 lần, mỗi lần cách nhau 3-5 ngày, 2 lần đầu xét nghiệm test nhanh, lần thứ 3 xét nghiệm RT-PCR hình thức mẫu gộp.
Đối với các xã/phường có nguy cơ cao, lấy mẫu 3 lần 100% số hộ gia đình, mỗi lần cách nhau 3-5 ngày. Lần thứ nhất, lần thứ 2 lấy mẫu 3 người/hộ, mỗi hộ chỉ thực hiện 1 xét nghiệm test nhanh (mẫu gộp 3), cách nhau 3-5 ngày, chọn người có nguy cơ cao hơn trong cùng hộ gia đình để lấy mẫu xét nghiệm. Lần thứ 3 lấy mẫu 1 người/hộ, chọn đại diện người có nguy cơ cao, gộp 5 mẫu của 5 hộ, xét nghiệm bằng phương pháp RT-PCR.
Đối với các xã/phường có nguy cơ, lấy mẫu 2 lần đối với 100% số hộ gia đình. Lần thứ nhất lấy mẫu 1 người/hộ để xét nghiệm test nhanh. Lần thứ 2 lấy mẫu 1 người/hộ, xét nghiệm bằng RT-PCR, mỗi lần cách nhau 3-5 ngày.
Đối với các xã/phường bình thường mới, lấy mẫu 1 lần, xét nghiệm test nhanh tối thiểu 20% số hộ gia đình, ưu tiên chọn các hộ có nguy cơ như bán hàng thiết yếu, chợ, tạp hóa, ngân hàng…Tùy vào tình hình thực tế, các địa phương có thể lấy mẫu nhiều hơn 20% số hộ gia đình. Ngoài ra, những người có triệu chứng nghi ngờ nhiễm Covid-19 thì lấy mẫu đơn xét nghiệm test nhanh hoặc PCR.
Ngành Y tế dự kiến, trong số 2,1 triệu người được xét nghiệm diện rộng sẽ có từ 9 ngàn – 18 ngàn người được xác định dương tính với Covid-19 hoặc có thể cao hơn. Khi đó, dự kiến bệnh nhân điều trị tại tầng 2 trong tháp điều trị sẽ từ 1,8 ngàn – 3,6 ngàn người; dự kiến bệnh nhân điều trị ở tầng 3 khoảng 270-540 người. Dự kiến số trường hợp tiếp xúc với các ca dương tính tối thiểu là 45 ngàn người.
Điều khiến ngành Y tế lo lắng nhất khi triển khai xét nghiệm diện rộng là cơ sở để thu dung, điều trị các trường hợp F0. Ngoài ra, vài ngày tới ngành Y tế sẽ trang bị thêm các dàn máy xét nghiệm PCR để tăng công suất xét nghiệm đáp ứng yêu cầu.
TS-BS.Nguyễn Đức Sơn, Tổ trưởng Tổ công tác của Bộ Y tế tại Đồng Nai đề xuất, Đồng Nai nên trưng dụng các cơ sở của doanh nghiệp đang tạm ngưng hoạt động và các trường học để làm các khu cách ly tập trung khi F0, F1 tăng cao trong vài ngày tới. Đồng thời tính toán giãn cách các khu nhà trọ để giảm bớt lây nhiễm.
Tại cuộc họp, đại diện lãnh đạo các Sở, ban, ngành đã đóng góp ý kiến liên quan đến những vấn đề liên quan như việc cung cấp các suất ăn, phương tiện vận chuyển F0, F1…
* Nỗ lực cao nhất để không đứt gãy bất kỳ khâu nào trong khi thực hiện chiến dịch
Kết luận tại cuộc họp, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các sở, ngành, địa phương phải chuẩn bị, huy động tối đa mọi nguồn lực để phục vụ cho chiến dịch xét nghiệm diện rộng này.
Trong đó, Sở GT-VT có trách nhiệm huy động các tài xế taxi, shipper cùng tham gia chiến dịch, làm nhiệm vụ vận chuyển các trường hợp F0, F1 đến cơ sở cách ly, điều trị; vận chuyển hàng hóa…
Huy động các thành phần kinh tế vào việc lo suất ăn cho F0, F1 và các lực lượng phục vụ trong các khu cách ly, điều trị…Giao Hội Chữ thập đỏ tỉnh và Hội Phụ nữ làm đầu mối, sử dụng các bếp ăn của các doanh nghiệp lớn đang tạm ngưng sản xuất trên địa bàn để phục vụ chiến dịch.
Huy động cơ sở vật chất, các nhà xưởng, trường học, nhà thờ làm khu cách ly, điều trị F0, F1. Các Sở, ngành, địa phương có trách nhiệm mua sắm trang thiết bị cần thiết cho các khu cách ly này.
Huy động lực lượng y tế tư nhân, y tế học đường, y tế quân sự và các lực lượng khác để tham gia vào công tác lấy mẫu xét nghiệm, đảm bảo đủ lực lượng tham gia chiến dịch.
Huy động các nguồn lực thực phẩm để cung cấp cho các bếp ăn, ưu tiên nguồn thực phẩm từ các trang trại đang hoạt động trong tỉnh và các địa phương lân cận đang gặp khó khăn trong vấn đề tiêu thụ sản phẩm.
Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bạch Thái Bình báo cáo kế hoạch xét nghiệm diện rộng |
Đối với các dịch vụ dùng chung, đề nghị các sở, ngành liên quan công bố thông tin rộng rãi như dịch vụ taxi, shipper, mua test nhanh… để người dân được biết và liên hệ để sử dụng khi cần thiết.
Trong kế hoạch triển khai chiến dịch xét nghiệm diện rộng cần bổ sung thêm mục lịch làm việc của Ban chỉ đạo phòng, chống dịch để kiểm tra, xử lý các tình huống phát sinh trong quá trình thực hiện. Ban chỉ đạo sẽ họp vào 15 giờ chiều thứ 2, 4, 6 hằng tuần để nghe báo cáo tổng thể kết quả triển khai chiến dịch và tháo gỡ khó khăn kịp thời cho các đơn vị có vướng mắc.
Lãnh đạo tỉnh đề nghị Sở Y tế chuẩn bị nguồn lực để cân đối, thực hiện kế hoạch cho phù hợp. Yêu cầu các địa phương phải xây dựng kế hoạch cụ thể của địa phương mình để triển khai thực hiện. Lãnh đạo các huyện/thành phố phải chịu trách nhiệm trước Tỉnh ủy, UBND tỉnh về kết quả phòng chống dịch trên địa bàn.
Sở Y tế và các ngành liên quan lưu ý hỗ trợ tối đa nguồn lực cho TP.Biên Hòa để đảm bảo triển khai kế hoạch thành công. Trong kế hoạch tổng thể cần phân rõ những vùng nguy cơ từ huyện/ thành phố đến từng ấp; hướng dẫn chi tiết để các sở, ngành, địa phương cùng thực hiện có hiệu quả.
Riêng về công tác xét nghiệm, lãnh đạo tỉnh đặc biệt lưu ý, Giám đốc Sở Y tế trực tiếp là người điều hành công tác xét nghiệm PCR, không để xảy ra việc trả kết quả xét nghiệm chậm quá 48 giờ. Quá trình vận chuyển mẫu bệnh phẩm từ các địa phương, đơn vị về các cơ sở xét nghiệm PCR có thể huy động tất cả tài xế của các cơ quan trong hệ thống chính trị tham gia. Riêng Văn phòng UBND tỉnh sẽ cử 2 xe để hỗ trợ công tác vận chuyển mẫu. Sở GT-VT xem xét huy động vài chục xe để tham gia vận chuyển mẫu, tuyệt đối không để đứt gãy vấn đề xét nghiệm.
Các Sở, ban, ngành cần xem chiến dịch xét nghiệm diện rộng là nhiệm vụ chính trong giai đoạn này, dự báo, theo dõi sát những nội dung liên quan đến sở, ngành mình để thực hiện cho tốt. Cần nêu cao hơn nữa tinh thần trách nhiệm, nỗ lực thực hiện, không để đứt gãy bất kỳ khâu nào trong quá trình triển khai kế hoạch.
* Động viên, khen thưởng kịp thời các lực lượng tuyến đầu
Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng cũng đặc biệt quan tâm đến công tác thi đua khen thưởng đối với các lực lượng tham gia phòng chống dịch. Chủ tịch nhấn mạnh, thời gian qua, lực lượng y tế, công an, quân đội và các lực lượng tuyến đầu chống dịch đã vất vả ngày đêm, kiên cường bám trụ, không quản hiểm nguy lao vào vùng dịch để làm nhiệm vụ. Có nhiều trường hợp đã bị nhiễm bệnh trong quá trình làm việc nhưng chưa có sự động viên, khen thưởng, hỗ trợ kịp thời từ phía các cấp lãnh đạo.
Lãnh đạo tỉnh đề nghị Sở Y tế, Công an tỉnh, Quân sự và các sở, ngành liên quan cần sát sao, chú ý hơn vấn đề này, có những đề xuất kịp thời để Chủ tịch tỉnh khen thưởng, động viên các lực lượng tuyến đầu chống dịch.
Riêng lực lượng thanh niên tình nguyện, những đoàn viên nào hoạt động tích cực, xông xáo, đủ điều kiện thì tiến hành kết nạp Đảng ngay để ghi nhận những cống hiến đối với cộng đồng.
Hạnh Dung