(ĐN) - Ngày 20-8, đoàn công tác do Cục trưởng Cục quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) Lương Ngọc Khuê làm trưởng đoàn đã làm việc tại Đồng Nai về công tác điều trị cho bệnh nhân Covid-19.
(ĐN) - Ngày 20-8, đoàn công tác do Cục trưởng Cục quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) Lương Ngọc Khuê làm trưởng đoàn đã làm việc tại Đồng Nai về công tác điều trị cho bệnh nhân Covid-19.
Đoàn làm việc Cục khám chữa bệnh (Bộ Y tế) làm việc tại Đồng Nai. Ảnh: Hoàn Lê |
Theo đó, đoàn đã đi kiểm tra tại các cơ sở điều trị Covid-19 tại Đồng Nai như: Bệnh viện đa khoa Đồng Nai, Bệnh viện đa khoa Thống Nhất. Theo báo cáo của Sở Y tế, tính đến sáng 20-8, Đồng Nai đã ghi nhận 16.338 ca và có 106 ca tử vong từ đầu đợt dịch thứ 4 đến nay. So với số ca mắc bệnh, tỷ lệ tử vong thấp. Hiện, Đồng Nai đã thành lập nhiều trung tâm điều trị bệnh nhân COVID-19 tầng 2, 3 với tổng số giường bệnh khoảng 900 giường.
Năng lực xét nghiệm của Đồng Nai đã tăng lên 12 ngàn mẫu đơn/ ngày, 60 ngàn mẫu gộp 5. Nếu trong trường hợp quá tải, tỉnh sẽ chuyển mẫu lên xét nghiệm tại Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh và Công ty Việt Á (TP. HCM) để trả kết quả sớm trong vòng 24 - 48 giờ. Tỉnh cũng lên kế hoạch tiêm vắc xin tại các công ty 3 tại chỗ và “vùng đỏ” sau khi quét sạch F0.
Thời gian qua, các doanh nghiệp đã trao tặng nhiều trang thiết bị phòng chống dịch cho tỉnh. Điều này hỗ trợ tích cực cho công tác chữa trị, cấp cứu cho bệnh nhân Covid-19.
Phát biểu tại buổi làm việc, PGS.TS. Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục khám chữa bệnh đánh giá cao công tác chữa trị cho bệnh nhân Covid-19 của Đồng Nai. Trong đợt dịch này, Bộ Y tế giao cho Đồng Nai thành lập 2 trung tâm hồi sức cấp cứu cho bệnh nhân nặng. Trước đây, các ca bệnh nặng phải chuyển lên các bệnh viện tuyến Trung ương tại TP. Hồ Chí Minh nhưng bây giờ điều này là không thể. Do đó, các đại phương phải thực hiện việc điều trị tại chỗ, kể cả bệnh nặng.
Trong đợt dịch này, biến chủng Delta lây lan nhanh và mạnh, do đó, Bộ Y tế đã yêu cầu các bệnh viện phải chuyển thành mô hình “bệnh viện tách đôi”, tức là các cơ sở y tế có giường bệnh phải dành 40% số giường để điều trị bệnh nhân COVID-19. Trong đó, các bệnh viện tuyến tỉnh cũng là tuyến cuối điều trị bệnh nhân Covid-19. Việc đảm bảo an toàn cho nhân viên y tế vẫn cần được ưu tiên.
Ông Khuê nhấn mạnh, lãnh đạo các cơ sở y tế phải đảm bảo có đủ đồ phòng hộ để các y, bác sĩ mặc trong quá trình khám chữa bệnh. Tất cả y, bác sĩ trong bệnh viện đều phải tập huấn phác đồ điều trị Covid-19 để có thể huy động nhân lực khi cần thiết. Chúng tôi đang đề nghị Bộ Y tế cho phép tiêm mũi thứ 3 cho nhân viên y tế khoa cấp cứu và điều trị bệnh nhân Covid-19 để tăng kháng thể” – ông Khuê chia sẻ.
Bích Nhàn