(ĐN) - Ngày 4-6, Bộ trưởng Bộ GT-VT Nguyễn Văn Thể đã chủ trì cuộc họp trực tuyến với các địa phương gồm: TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Long An và Bà Rịa- Vũng Tàu về việc triển khai đầu tư xây dựng tuyến đường Vành đai 3, Vành đai 4.
(ĐN) - Ngày 4-6, Bộ trưởng Bộ GT-VT Nguyễn Văn Thể đã chủ trì cuộc họp trực tuyến với các địa phương gồm: TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Long An và Bà Rịa- Vũng Tàu về việc triển khai đầu tư xây dựng tuyến đường Vành đai 3, Vành đai 4. Tại đầu cầu Đồng Nai, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng và Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Hoàng cũng chủ trì buổi làm việc.
Bộ GT-VT họp trực tuyến với các địa phương về việc triển khai đầu tư xây dựng tuyến đường Vành đai 3, Vành đai 4 |
Dự án đường Vành đai 3 có 4 đoạn với tổng chiều dài 89,1km đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ năm 2011. Tuyến này đi qua địa bàn các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Long An, TP.HCM. Theo kế hoạch, dự án sẽ được xây dựng hoàn thành trước năm 2020. Tuy vậy, đến nay mới chỉ có đoạn số 2 (Mỹ Phước - Tân Vạn) với chiều dài 16,3km được tỉnh Bình Dương đầu tư.
Đối với đường Vành đai 4, đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ năm 2011, có chiều dài hơn 197km, từ 6-8 làn xe. Dự án chia thành 5 đoạn, trong đó mới chỉ lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đoạn Bến Lức - Hiệp Phước, 4 đoạn còn lại chưa nghiên cứu.
Đối với địa bàn Đồng Nai, đường Vành đai 3 đi qua địa bàn tỉnh có chiều dài khoảng 11,3km gồm 2 dự án thành phần: Dự án thành phần 1A và 2A. Trong đó, dự án thành phần 1A có chiều dài 6,3km dự kiến sẽ được khởi công trong quý III-2021. Đối với đường Vành đai 4, đoạn qua địa bàn tỉnh có chiều dài 47km, bắt đầu từ cầu Thủ Biên giáp ranh giữa tỉnh Đồng Nai và tỉnh Bình Dương đến ranh tỉnh Đồng Nai với tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu.
Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng phát biểu tại cuộc họp |
Phát biểu tại cuộc họp, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng cho biết, đối với dự án thành phần 1A thuộc dự án đường Vành đai 3, Đồng Nai cam kết sẽ bố trí nguồn vốn hơn 650 tỷ đồng để thực hiện công tác giải phóng mặt bằng. Riêng đối với dự án 2A, tỉnh cũng kiến nghị Bộ GT-VT hướng dẫn cơ chế để có nguồn vốn thực hiện công tác giải phóng mặt bằng. Riêng đối với dự án đường Vành đai 4, Đồng Nai sẽ thực hiện theo chủ trương chung của Chính phủ.
Theo Bộ trưởng Bộ GT-VT Nguyễn Văn Thể, 2 tuyến đường Vành đai 3, Vành đai 4 có ý nghĩa rất quan trọng trong liên kết vùng, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội đối với Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. 2 tuyến đường này cũng đã được đưa vào đề án Đề án thực hiện xây dựng đường bộ cao tốc giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030 với mục tiêu cả nước có 4 ngàn km đường cao tốc trong 10 năm tới đã được trình Chính phủ. Trong đó, Bộ GT-VT kiến nghị thực hiện cơ chế giao cho các địa phương có các tuyến đường đi qua sẽ là cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với dự án. Do đó, các địa phương cần hoàn thiện các thủ tục liên quan để thực hiện đầu tư sớm nhằm hoàn thành mục tiêu đã được Chính phủ đưa ra hoàn thành xây dựng toàn bộ tuyến đường Vành đai 3 trong giai đoạn 2021-2025. Riêng đối với đường Vành đai 4 phải hoàn thành chậm nhất vào năm 2030.
Phạm Tùng