(ĐN) – Ngày 30-6, Phó thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đã chủ trì hội nghị trực tuyến với các bộ ngành và 13 tỉnh, thành có đường cao tốc Bắc- Nam đi qua nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ dự án.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức chủ trì hội nghị trực tuyến tại Đồng Nai. Tham dự hội nghị còn có đại diện các sở ngành, địa phương có đường cao tốc Bắc- Nam đi qua. |
Theo Thứ trưởng Bộ GT-VT Lê Đình Thọ, dự án cao tốc Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2017- 2020, có chiều dài 654km và chia ra 11 dự án thành phần. Quá trình triển khai dự án phát sinh những vướng mắc phải điều chỉnh về thiết kế, cung cấp vật liệu, giải phóng mặt bằng, dịch bệnh Covid-19, giá sắt thép tăng cao....
Công tác giải phóng mặt bằng các dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam được thực hiện từ tháng 6-2019, đến nay các địa phương đã bàn giao được gần 639km, đạt gần 98% tổng diện tích cần thu hồi. Diện tích đất cần thu hồi cho dự án cao tốc Bắc- Nam phía Đông hơn 4,9 ngàn ha của 29.543 hộ dân. Trong số các hộ dân bị thu hồi đất có gần 3,2 ngàn hộ bị giải tỏa trắng phải bố trí tái định cư tại 111 khu tái định cư, gồm 83 khu tái định cư mới và 28 khu có sẵn. Số tiền bồi thường giải phóng mặt bằng cho dự án gần 14,6 ngàn tỷ đồng, hiện giải ngân hơn 11,5 ngàn tỷ đồng (tương đương hơn 79%).
Hiện nay, việc di dời công trình hạ tầng kỹ thuật tại các địa phương để thực hiện dự án cao tốc còn chậm. Cụ thể, đường điện di dời hơn 43%, đường ống nước các loại đạt hơn 52%, cáp viễn thông trên 46%. Do đó, các nhà thầu đề nghị các địa phương thực hiện nhanh việc di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật để đảm bảo tiến độ thi công của công trình.
Hiện dự án cao tốc Bắc- Nam phía Đông đã khởi công xây dựng 7/11 dự án thành phần, 4 dự án thành phần còn lại đang chuẩn bị khởi công.
Về nguồn vật liệu đất đắp nền đường phục vụ thi công dự án cần khoảng 53,2 triệu m3, các mỏ đã cấp phép khai thác hiện nay mới đáp ứng được 30,4 triệu m3, khối lượng đất đắp còn thiếu khoảng 22,8 triệu m3 đang nằm tại 116 mỏ chưa cấp phép khai thác. Bên cạnh đó, giá vật liệu xây dựng sắt, thép tăng 30-33% so với cuối năm 2020, đất đắp, cát, đá tăng 15-20% so với thời điểm ký hợp đồng gây nhiều khó khăn cho nhà thầu thi công xây dựng. Do đó, các nhà thầu đề nghị Bộ xây dựng có chính sách bù giá kịp thời để nhà thầu đảm bảo tiến độ thi công.
Theo Phó thủ tướng Lê Văn Thành, dự án cao tốc Bắc-Nam là công trình trọng điểm quốc gia nên không thể chậm trễ, vì khi hoàn thành đưa vào khai thác sẽ tạo đột phá trong phát triển kinh tế cho nhiều địa phương. Liên quan đến những vướng mắc về giá sắt thép tăng cao, thiếu vật liệu san lấp, điều chỉnh về kỹ thuật, bồi thường tái định cư..., Bộ GT-VT, Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính, Bộ TN-MT phối hợp với các tỉnh, thành tháo gỡ và giải quyết nhanh để nhà thầu thi công dự án theo đúng theo tiến độ đã đề ra.
Trong đó, Bộ TN-MT thành lập 5 đoàn kiểm tra liên ngành để rà soát các mỏ cung cấp nguyên liệu cho công trình xem vướng mắc ở đâu để kịp thời xử lý, đáp ứng đủ nguyên liệu thi công dự án. Hiện còn khoảng 2% diện tích chưa bồi thường, giải phóng mặt bằng, các địa phải hoàn thành trước 30-7-2021 để bàn giao cho chủ đầu tư thi công.
Cao tốc Bắc - Nam, đoạn Phan Thiết - Dầu Giây dài 99km, khởi công vào tháng 9-2020, theo kế hoạch sẽ hoàn thành vào tháng 12-2022. Đến nay, đã thực hiện 10,4% tổng giá trị hợp đồng, hiện đang thi công hạng mục đào, đắp nền đường, khoan cọc tại các công trình cầu và cũng đang gặp khó khăn về nguồn cung vật liệu đất đắp.
Uyển Nhi