(ĐN) – Ngày 30-6, Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi đã làm việc với các sở ngành, địa phương về tình hình lập phương án sử dụng đất đối với các khu đất thu hồi từ các đơn vị nông, lâm trường, các đơn vị an ninh, quốc phòng bàn giao địa phương quản lý.
(ĐN)- Ngày 30-6, Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi đã làm việc với các sở ngành, địa phương về tình hình lập phương án sử dụng đất đối với các khu đất thu hồi từ các đơn vị nông, lâm trường, các đơn vị an ninh, quốc phòng bàn giao địa phương quản lý.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi chủ trì cuộc họp. |
Trước đây, ngày 24-5-2019, UBND tỉnh đã có Văn bản số 5797/UBND-CNN thống nhất đề xuất lập phương án sử dụng đất của UBND các huyện, TP.Long Khánh, TP.Biên Hòa đối với 37 khu đất thu hồi từ các đơn vị nông, lâm trường, các đơn vị an ninh, quốc phòng.
Trong tổng số 37 khu đất nêu trên, UBND các huyện đã rà soát hiện trạng, lập Đề cương phương án sử dụng được 25 khu đất và Sở TN-MT đã có văn bản ý kiến góp ý 25 khu đất nêu trên. Còn 12 khu đất, UBND các huyện đang rà soát hiện trạng sử dụng đất, đề xuất lập phương án theo chỉ đạo của UBND tỉnh. Hiện các khu đất trên chưa phê duyệt được phương án sử dụng đất vì vướng một số quy định liên quan đến Luật Đất đai năm 2013.
Ông Nguyễn Hồng Quế, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý đất đai tỉnh nêu những vướng mắc liên quan phương án sử dụng đất. |
Năm 2020, UBND tỉnh đã có văn bản kiến nghị Bộ TN-MT tháo gỡ những vướng mắc như: Đất thu hồi của các đơn vị quốc phòng, an ninh (không phải các khu gia đình, quân nhân) giao địa phương quản lý và các khu đất thu hồi của nông, lâm trường giao địa phương trước khi Luật đất đai năm 2013 có hiệu lực thi hành có phải lập phương án sử dụng đất không? Các Công ty nông, lâm nghiệp, Ban quản lý rừng trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đã thực hiện sắp xếp, đổi mới trước khi Luật đất đai năm 2013 có hiệu lực thi hành nhưng đến nay mới lập thủ tục thu hồi đất bàn giao địa phương thì phần diện tích đất giao lại địa phương phải lập phương án sử dụng đất trước khi thu hồi hay thu hồi đất rồi mới lập phương án. Chưa có hướng dẫn rõ ràng cách xác định diện tích đất nông nghiệp bình quân. Hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất nhưng hiện trạng đang sử dụng không phù hợp quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; diện tích đất sử dụng vượt hạn mức giao đất bình quân trên địa bàn tỉnh nhưng không đủ điều kiện tách thửa (không đảm bảo diện tích, kích thước tối thiểu được phép tách thửa theo quy định của địa phương) để xử lý việc cho thuê đất thì xử lý như thế nào khi lập phương án sử dụng đất...
Ghi nhận những khó khăn, vướng mắc trong lập phương án sử dụng đất, Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi yêu cầu, các địa phương phải rà soát lại nhu cầu sử dụng đất thật kỹ để xây dựng phương án sử dụng đất cho phù hợp. Phương án sử dụng đất phải được sự chấp thuận của huyện ủy, thành ủy, đồng thời lấy ý kiến của MTTQ huyện, thành phố để có sự đồng thuận cao. Quá trình lập phương án phải công khai để người dân biết, thống nhất với các nội dung để khi Luật Đất đai sửa đổi, bổ sung, những vướng mắc trên được tháo gỡ, UBND tỉnh có thể phê duyệt phương án sử dụng đất đưa vào thực hiện sẽ thuận lợi hơn.
Hương Giang