(ĐN) - Sáng 6-4, Ban chỉ đạo 07 Tỉnh ủy đã có buổi làm việc với Ban chỉ đạo 114 Tỉnh ủy Bình Dương, do đồng chí Nguyễn Phước Hiệp, Phó trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Bình Dương làm trưởng đoàn, về công tác xây dựng tổ chức Đảng, tổ chức chính trị - xã hội trong doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.
(ĐN) - Sáng 6-4, Ban chỉ đạo 07 Tỉnh ủy đã có buổi làm việc với Ban chỉ đạo 114 Tỉnh ủy Bình Dương, do đồng chí Nguyễn Phước Hiệp, Phó trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Bình Dương làm trưởng đoàn, về công tác xây dựng tổ chức Đảng, tổ chức chính trị - xã hội trong doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trên địa bàn tỉnh Đồng Nai. Đồng chí Phạm Anh Dũng, Phó trưởng ban chỉ đạo 07 Tỉnh ủy, Phó trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy chủ trì buổi làm việc với đoàn.
Quang cảnh buổi làm việc giữa Ban Chỉ đạo 07 Tỉnh ủy với Ban chỉ đạo 114 Tỉnh ủy Bình Dương |
Theo Ban Tổ chức Tỉnh ủy - cơ quan thường trực Ban chỉ đạo 07 Tỉnh ủy, Ban TVTU đã ban hành nhiều văn bản cụ thể hóa sự chỉ đạo của Trung ương về công tác xây dựng tổ chức Đảng, tổ chức chính trị - xã hội trong doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài phù hợp với đặc điểm, tình hình của địa phương. Đồng thời, thành lập bộ phận chuyên trách công tác xây dựng Đảng, tổ chức chính trị - xã hội trong doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; chỉ đạo các cấp ủy trực thuộc, ban cán sự Đảng, Đảng đoàn, các ban Đảng Tỉnh ủy, sở, ngành liên quan xây dựng kế hoạch, triển khai thực hiện đồng bộ trong hệ thống chính trị, thống nhất quan điểm chỉ đạo của Tỉnh ủy “ở đâu có công nhân, ở đó có tổ chức Đảng”. Cùng với đó, các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể luôn quan tâm tạo điều kiện để doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh đúng định hướng của Đảng, pháp luật nhà nước, giải quyết hài hòa lợi ích giữa người sử dụng lao động và người lao động. Kết quả, mỗi năm ở Đồng Nai thành lập 7-10 tổ chức Đảng, nâng tổng số tổ chức Đảng trong doanh nghiệp ngoài nhà nước lên 170 tổ chức, với 3.481 đảng viên (chiếm 4,1% tổng số đảng viên toàn tỉnh); bên cạnh đó, toàn tỉnh có 1.596 Công đoàn cơ sở, 244 tổ chức Đoàn, 199 tổ chức Hội LHTN Việt Nam và 6 chi hội phụ nữ trong doanh nghiệp ngoài nhà nước và khu vực nhà trọ.
Các tổ chức Đảng, đoàn thể sau khi được thành lập, cơ bản đã phát huy tốt vai trò trong việc tuyên truyền, vận động người lao động chấp hành chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước, nội quy, quy định của công ty; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động, góp phần ổn định và phát triển của doanh nghiệp.
Đối với tỉnh Bình Dương, hiện đã thành lập được 71 tổ chức cơ sở Đảng trong doanh nghiệp ngoài nhà nước, với hơn 2.400 đảng viên.
Bên cạnh kết quả tích cực, công tác xây dựng Đảng và tổ chức chính trị - xã hội trong doanh nghiệp của hai tỉnh còn có khó khăn chung là một số chủ doanh nghiệp chưa nhận thức rõ về vị trí, vai trò của việc thành lập tổ chức Đảng, đoàn thể trong doanh nghiệp nên số lượng tổ chức Đảng, đoàn thể, nhất là tổ chức Đoàn, Hội của phụ nữ và thanh niên được thành lập còn thấp, chưa tương xứng với số lượng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Hoạt động của một số tổ chức Đảng trong doanh nghiệp chưa thể hiện rõ vai trò hạt nhân chính trị trong doanh nghiệp.
Tại buổi làm việc, hai bên cùng thống nhất sẽ tăng cường trao đổi kinh nghiệm để công tác xây dựng Đảng và tổ chức chính trị - xã hội trong doanh nghiệp ngoài nhà nước ngày càng hiệu quả hơn ở các địa phương.
Phương Hằng