Báo Đồng Nai điện tử
En

30 phút giành lại sự sống cho bệnh nhân đột quỵ tim cấp

02:03, 04/03/2021

(ĐN)- Ngày 4-3, đại diện Bệnh viện Đại học Y dược Shingmark cho hay, sau 10 ngày cứu chữa, bệnh nhân nam 59 tuổi đã hồi phục sau ca đột quỵ tim cấp.

(ĐN)- Ngày 4-3, đại diện Bệnh viện Đại học Y dược Shingmark cho hay, sau 10 ngày cứu chữa, bệnh nhân nam 59 tuổi đã hồi phục sau ca đột quỵ tim cấp.

Bệnh nhân N. đã hồi phục sau ca khi được cấp cứu kịp thời do đột quỵ tim cấp
Bệnh nhân N. đã hồi phục sau khi được cấp cứu kịp thời

Trước đó, bệnh nhân M.V.N, 59 tuổi, ngụ tại xã Phước Tân, TP.Biên Hòa đã nhập viện trong tình trạng đau ngực trái dữ dội kèm khó thở. Theo lời kể của bệnh nhân, trước nhập viện khoảng 10 ngày, bệnh nhân có triệu chứng đau ngực kể cả khi vận động nhẹ, khó thở, nhưng chưa sắp xếp được thời gian để thăm khám. Khi bệnh nhân nhập viện, tim bắt đầu hoại tử do mạch máu tim bị tắc hoàn toàn và đe dọa tính mạng.

Các bác sĩ của bệnh viện đã tiến hành hội chẩn với Bệnh viện Đại học Y dược TP. Hồ Chí Minh và nhanh chóng chuyển bệnh nhân đến phòng thông tim kỹ thuật cao DSA để chụp mạch vành cấp cứu. Các bác sĩ đã phát hiện cả 3 mạch máu nuôi tim đều hẹp nghẽn, trong đó động mạch vành bên phải bị tắc hoàn toàn, nhánh động mạch gây ra nhồi máu cơ tim khiến cơ tim hoại tử. Tình trạng nhồi máu máu cơ tim của bệnh nhân M.V.N diễn tiến rất nhanh, nhịp tim chậm dần, chuẩn bị rơi vào ngưng tim.

ThS. BS. Võ Anh Minh, Trưởng đơn vị can thiệp tim mạch BV Đại học Y dược Shing Mark cho hay, người bệnh nhanh chóng được tái thông mạch máu bằng cách nong bóng đặt 2 stent phủ thuốc vào động mạch vành phải. Thời gian từ lúc hội chẩn đến lúc mạch máu tim được tái thông vỏn vẹn trong 30 phút.

Ca phẫu thuật thành công tốt đẹp, bệnh nhân hết đau ngực ngay sau đó và nghỉ ngơi, theo dõi điều trị nội khoa để ổn định trái tim. Sau 5 ngày điều trị, bệnh nhân khỏe dần, có thể đi lại và không còn đau ngực hay khó thở nữa.

Theo BS. Minh, nhồi  máu cơ tim là một căn bệnh nguy hiểm, “thập tử nhất sinh”. Bệnh có thể gây đột tử bất cứ lúc nào khi chưa kịp có triệu chứng báo hiệu, hoặc mới có triệu chứng lần đầu, hoặc bất cứ nơi đâu: tại nhà, trên đường đến bệnh viện hoặc tại bệnh viện. Chính vì thế, ngay sau khi có dấu hiệu báo động như: đau ngực, khó chịu vùng ngực trái, sau ức hoặc khó thở… bệnh nhân phải lập tức đến ngay các cơ sở y tế có trang bị đầy đủ phương tiện cấp cứu càng sớm càng tốt.

Tin, ảnh: Bích Nhàn

Tin xem nhiều