(ĐN) - Ngày 8-1, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng và ông Takio Yamada, Đại sứ Nhật Bản tại Viêt Nam cùng chủ trì Hội nghị trực tuyến "Chia sẻ kinh nghiệm và chính sách mới của Nhật Bản nhằm thúc đẩy phát triển Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số" với các bộ ngành, tỉnh thành trong nước và Chính phủ Nhật Bản.
(ĐN) - Ngày 8-1, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng và ông Takio Yamada, Đại sứ Nhật Bản tại Viêt Nam cùng chủ trì Hội thảo trực tuyến “Chia sẻ kinh nghiệm và chính sách mới của Nhật Bản nhằm thúc đẩy phát triển Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số" với các bộ ngành, các tỉnh thành trong nước và Chính phủ Nhật Bản. Chủ trì hội thảo tại điểm cầu Đồng Nai có Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng và ông Takio Yamada, Đại sứ Nhật Bản tại Viêt Nam cùng chủ trì Hội nghị trực tuyến |
Hội thảo nhằm trao đổi những bài học về công tác cải cách thủ tục hành chính, xây dựng Chính phủ điện tử. Theo đó, phía Chính phủ Nhật Bản chia sẻ chính sách mới của Thủ tướng Nhật Bản Suga để phát triển chính phủ số và kinh nghiệm số hóa dịch vụ công và thủ tục hành chính tại Nhật Bản; các kinh nghiệm của Nhật Bản trong xây dựng chính sách sử dụng trí tuệ nhân tạo. Đây là lần thứ 3 Văn phòng Chính phủ phối hợp với Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam tổ chức hội thảo trực tuyến trong lĩnh vực phát triển chính phủ điện tử (lần thứ nhất vào tháng 8-2019, lần thứ 2 vào tháng 2-2020).
Thời gian qua, Chính phủ Nhật Bản đã hợp tác, hỗ trợ Chính phủ Việt Nam khá nhiều trong triển khai Chính phủ điện tử. Cụ thể, trong giai đoạn 2016-2020, Việt Nam đã cắt giảm được 3,8 ngàn điều kiện kinh doanh, trên 6,7 ngàn danh mục hàng hóa kiểm tra chuyên ngành. Đồng thời, Văn phòng Chính phủ cũng phối hợp với các bộ, ngành, địa phương đơn giản nhiều thủ tục tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi chủ trì Hội nghị trực tuyến tại Đồng Nai |
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đánh giá, thực hiện Chính phủ điện tử năm 2020, Việt Nam đã tiết kiệm hơn 15 ngàn tỷ đồng. Trong đó, có 230 ngàn hồ sơ không phải in ra. Riêng Văn phòng Chính phủ trong năm qua, có 180 ngàn văn bản đến và đi được thực hiện trên mạng,... Bên cạnh đó, thực hiện Chính phủ điện tử giúp các văn bản, thủ tục được minh bạch hóa.
Trong năm 2021 và những năm tiếp theo, Chính phủ tiếp tục phát triển Chính phủ điện tử làm nền tảng cơ bản để tham gia hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, Chính phủ điện tử phải bảo đảm gắn kết chặt chẽ giữa ứng dụng công nghệ thông tin với cải cách hành chính, nâng cao tính công khai, minh bạch, đổi mới phương thức phục vụ, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm và sự hài lòng của cá nhân, tổ chức là thước đo quan trọng trong phát triển Chính phủ điện tử.
Tại Đồng Nai, trong năm 2020, công tác cải cách thủ tục hành chính và xây dựng chính quyền điện tử hướng tới chuyển đổi số cũng đã được chú trọng triển khai. Đến nay, Trung tâm hành chính công và bộ phận một cửa các cấp huyện, cấp xã đã hoàn thành việc trang bị cơ sở vật chất, bố trí nguồn nhân lực đảm bảo triển khai hiệu quả cơ chế một cửa, một cửa liên thông giải quyết thủ tục hành chính nhằm phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt hơn.
Hương Giang