Ngày 22-10, tiếp tục Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, trong phiên họp sáng, các đại biểu Quốc hội đã nghe trình bày Báo cáo tóm tắt giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính và thảo luận trực tuyến về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo luật này.
Ngày 22-10, tiếp tục Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, trong phiên họp sáng, các đại biểu Quốc hội đã nghe trình bày Báo cáo tóm tắt giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính và thảo luận trực tuyến về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo luật này.
Các ý kiến đại biểu Quốc hội tập trung góp ý về thẩm quyền xử phạt; bổ sung biện pháp cưỡng chế “ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước”; đối tượng áp dụng biện pháp xử lý hành chính; các biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính...
Đối với thẩm quyền xử phạt, nhiều ý kiến tán thành với quy định của dự thảo luật về các chức danh có thẩm quyền xử phạt và thẩm quyền xử phạt của các chức danh. Một số ý kiến đề nghị cần nghiên cứu, bổ sung thẩm quyền xử phạt của một số chức danh cụ thể và bổ sung một số thẩm quyền cụ thể của một số chức danh. Về việc bổ sung biện pháp cưỡng chế “ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước”, một số ý kiến đại biểu đề nghị không nên bổ sung biện pháp cưỡng chế này. Tuy nhiên, cũng có một số ý kiến đại biểu cho rằng việc quy định biện pháp này là cần thiết nhưng chỉ áp dụng trong một số lĩnh vực cụ thể.
Các đại biểu cơ bản tán thành với quy định về đối tượng bị áp dụng các biện pháp xử lý hành chính của dự thảo luật. Một số ý kiến đề nghị cần bổ sung quy định áp dụng biện pháp xử lý hành chính đối với một số đối tượng cụ thể. Ngoài ra, về kỹ thuật lập pháp (Khoản 1 Điều 96) quy định về đối tượng bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, nhiều ý kiến đại biểu tán thành với quy định dẫn chiếu đến Luật Phòng, chống ma túy; đồng thời cũng có ý kiến đề nghị cần quy định cụ thể trong luật này.
Trong phiên họp chiều, các đại biểu Quốc hội nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thỏa thuận quốc tế và thảo luận trực tuyến về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo luật.
Cơ bản ý kiến đại biểu Quốc hội nhất trí với Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Các đại biểu thảo luận về một số nội dung như: phạm vi điều chỉnh; khái niệm thỏa thuận quốc tế; về bên ký kết Việt Nam; nguyên tắc ký kết thỏa thuận quốc tế, các lĩnh vực không ký kết thỏa thuận quốc tế và các hành vi bị nghiêm cấm; ngôn ngữ của thỏa thuận quốc tế; cơ quan quản lý nhà nước về thỏa thuận quốc tế; rà soát, đối chiếu văn bản thỏa thuận quốc tế nhân danh Nhà nước, Chính phủ trước khi ký; thủ tục ủy quyền thỏa thuận quốc tế nhân danh Nhà nước, Chính phủ; thẩm quyền ký kết thỏa thuận quốc tế…
Hôm nay 23-10, các đại biểu Quốc hội nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống nhiễm virus gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS) và thảo luận trực tuyến về dự án luật; nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi) và thảo luận trực tuyến về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo luật.
TTXVN