Báo Đồng Nai điện tử
En

Đồng Nai nằm trong top có số ca mắc sốt xuất huyết cao

12:09, 21/09/2020

(ĐN) - Sáng 21-9, Bộ Y tế đã tổ chức Hội nghị trực tuyến về tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh, công tác tiêm chủng và an toàn tiêm chủng năm 2020.

(ĐN) - Sáng 21-9, Bộ Y tế đã tổ chức Hội nghị trực tuyến về tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh, công tác tiêm chủng và an toàn tiêm chủng năm 2020. Hội nghị tập trung thảo luận các vấn đề liên quan đến công tác phòng chống dịch bệnh tại địa phương như: sốt xuất huyết (SXH), bạch hầu, Covid-19... và an toàn trong tiêm chủng vắc xin.

Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Đồng Nai
Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Đồng Nai

Theo Bộ Y tế, hiện nay, nhiều quốc gia trên thế giới tiếp tục ghi nhận nhiều trường hợp mắc và tử vong do sốt xuất huyết, trong đó số ca mắc tăng cao hơn cùng kỳ năm ngoái. Tại Việt Nam, tính từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận gần 70 ngàn ca mắc sốt xuất huyết, giảm so với năm 2019. Tuy nhiên, trong vài tuần gần đây, bệnh sốt xuất huyết lại đang gia tăng. Đồng Nai là 1 trong 10 tỉnh có số ca mắc sốt xuất huyết cao nhất trên cả nước. Dự kiến, những tháng cuối năm, dịch bệnh này sẽ tiếp tục tăng.

Bác sĩ Bạch Thái Bình, Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh cho hay, ngành Y tế kiểm soát tốt các dịch bệnh truyền nhiễm như: Covid-19, sốt xuất huyết và tay chân miệng (TCM). Tính đến ngày 18-9, toàn tỉnh ghi nhận 3 ca mắc Covid-19 đã được chữa trị khỏi; 3.800 ca mắc sốt xuất huyết (giảm 73% so với cùng kỳ năm 2019); hơn 2.400 ca mắc TCM (giảm 59% so với cùng kỳ năm 2019). Tuy nhiên, từ tháng 5 đến nay, dịch sốt xuất huyết và TCM bắt đầu tăng do bắt đầu mùa mưa và mùa tựu trường.

Theo diễn biến dịch, từ tháng 8 đến tháng 10 hàng năm, dịch sốt xuất huyết và TCM sẽ tăng cao. Do đó, thời điểm này, ngành Y tế sẽ tập trung vào công tác giám sát mật độ muỗi và loăng quăng; phun hóa chất diện rộng diệt muỗi trưởng thành và diệt loăng quăng tại các ổ dịch; xử lý các ca bệnh TCM ở các khu nhà trọ, nhà trẻ gia đình.

Trong nhiều năm nay, tỷ lệ tiêm chủng mở rộng tất cả các loại vắc xin của Đồng Nai đạt 95%. Tuy nhiên, năm 2020, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều phụ huynh ngại đưa con đi tiêm chủng vào các thời điểm dịch Covid-19 cao điểm. “Chúng tôi cũng gặp nhiều khó khăn trong việc nâng cao tỷ lệ tiêm chủng mở rộng vì biến động dân số và giãn cách xã hội. Nhưng để “trám” lỗ hổng tiêm chủng, chúng tôi đã phải kéo dài lịch tiêm chủng cho người dân, nhất là những khu nhà trọ” – BS. Bình chia sẻ.

Tại hội nghị, đại diện Bộ Y tế cho biết thêm, năm 2020, bệnh bạch hầu được ghi nhận tại nhiều quốc gia do không được tiêm chủng đầy đủ. Năm 2020, Việt Nam ghi nhận 198 ca mắc ở các địa phương: Gia Lai, Kon Tum, TP. Hồ Chí Minh, Đắc Lắk... Nguyên nhân là không được tiêm chủng hoặc không rõ lịch sử tiêm chủng trước đó. Từ tháng 9, số ca mắc bắt đầu giảm sau khi các tỉnh, thành tập trung tiêm vét vắc xin bạch hầu. Do đó, Bộ Y tế yêu cầu các địa phương cần phải nâng cao tỷ lệ tiêm chủng mở rộng với các bệnh đã có vắc xin; đảm bảo an toàn tiêm chủng.

Tin: Bích Nhàn - Ảnh: Ngọc Thành

Tin xem nhiều