Báo Đồng Nai điện tử
En

Cứu bệnh nhân quyết không truyền máu khi mổ

06:09, 03/09/2020

(ĐN)- Ngày 3-9, BS. Phạm Văn Dũng, Giám đốc Bệnh viện đa khoa Thống Nhất cho hay, bệnh viện vừa cấp cứu bệnh nhân bị đa chấn thương nhưng từ chối chỉ định truyền máu.

(ĐN)- Ngày 3-9, BS. Phạm Văn Dũng, Giám đốc Bệnh viện đa khoa Thống Nhất cho hay, bệnh viện vừa cấp cứu bệnh nhân bị đa chấn thương nhưng từ chối chỉ định truyền máu.

Bệnh nhân L. đang dần hồi phục sau ca phẫu thuật tại Bệnh viện đa khoa Thống Nhất
Bệnh nhân L. đang dần hồi phục sau ca phẫu thuật tại Bệnh viện đa khoa Thống Nhất

Theo đó, ngày 28-8, bệnh viện nhận được thông tin có một bệnh nhân chuyển từ TP. Hồ Chí Minh về Bệnh viện đa khoa Thống Nhất với chẩn đoán ban đầu: Vỡ bàng quang và đã mất máu do tai nạn giao thông. Tuy nhiên, bệnh nhân và gia đình bệnh nhân lại từ chối truyền máu dù lượng máu mất khá nhiều.

Theo bác sĩ Dũng, ngay khi tiếp nhận bệnh nhân H. T. T. L.(28 tuổi, ngụ tại huyện Đức Linh, tỉnh Bình Thuận), các bác sĩ đã khám và thực hiện các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh. Kết quả, bệnh nhân bị thiếu máu trầm trọng, lượng máu chưa bằng một nửa của người bình thường; tràn dịch màng phổi 2 bên, gãy xương chậu, gãy xương đùi phải và vỡ bàng quang ngoài phúc mạc. Sau khi hội chẩn các chuyên khoa: Ngoại niệu, ngoại chỉnh hình, ngoại tổng quát, các khoa chẩn đoán hình ảnh…  bệnh nhân được chuyển lên phòng mổ.

Bệnh nhân được dẫn lưu màng phổi 2 bên, cố định xương đùi, xương chậu, soi bàng quang kiểm tra. Đồng thời, bệnh nhân cũng được hồi sức bằng truyền dịch và các thuốc hỗ trợ cầm máu nhưng không truyền máu. “Kết quả xét nghiệm máu cho thấy bệnh nhân mất hơn 2 lít máu nhưng gia đình nhất quyết không chấp nhận truyền máu dù chúng tôi thuyết phục. Để cứu bệnh nhân, chúng tôi đã bàn chọn đến phương án truyền máu tự thân (lọc máu của bệnh nhân để truyền lại cho chính bệnh nhân khi mổ). Nhưng may mắn, cuộc mổ không làm chảy thêm máu, nên ca mổ vẫn diễn ra thuận lợi dù bệnh nhân không được truyền máu” – bác sĩ Dũng chia sẻ.

Sau ca mổ, bệnh nhân tiếp tục được theo dõi, hồi sức, điều trị, đặc biệt là theo dõi về tổn thương ở bàng quang, và chảy máu ở xương chậu bị gãy. Song song đó, các bác sĩ cũng sử dụng chế độ dinh dưỡng điều trị đặc biệt và chăm sóc toàn diện cho bệnh nhân.

Hiện tại, sau 4 ngày điều trị, bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch, các dấu hiệu sinh tồn như: mạch, huyết áp cũng ổn định dần. Việc bệnh nhân mất máu nhiều sẽ ảnh hưởng việc điều trị ban đầu nhưng khi các tổn thương ổn định, bệnh nhân sẽ phục hồi trở lại qua chế độ dinh dưỡng và cơ thể tự hồi phục, để chuẩn bị cho đợt mổ kết hợp xương đùi khi đủ điều kiện.

Tin, ảnh: Bích Nhàn

Tin xem nhiều