Báo Đồng Nai điện tử
En

Chống dịch Covid-19: Chuẩn bị nhiều 'lớp' để bảo vệ người dân

08:07, 31/07/2020

TS.BS. Phan Huy Anh Vũ, Giám đốc Sở Y tế,  Phó trưởng ban phòng chống dịch Covid-19 tỉnh  cho hay, ngay khi dịch Covid-19 quay lại trong cộng đồng, hệ thống phòng dịch của tỉnh đã kích hoạt...

 TS.BS. Phan Huy Anh Vũ, Giám đốc Sở Y tế, Phó trưởng ban phòng chống dịch Covid-19 tỉnh
TS.BS. Phan Huy Anh Vũ, Giám đốc Sở Y tế, Phó trưởng ban phòng chống dịch Covid-19 tỉnh (Ảnh: Khánh Lộc)

Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 quay trở lại, Đồng Nai đã thực hiện cách ly tại nhà cho gần 1.400 trường hợp trở về từ các vùng dịch và hiện chưa phát hiện trường hợp dương tính. TS.BS. Phan Huy Anh Vũ, Giám đốc Sở Y tế, Phó trưởng ban phòng chống dịch Covid-19 tỉnh cho hay, ngay khi dịch Covid quay lại trong cộng đồng, hệ thống phòng dịch của tỉnh đã kích hoạt.

* Lo ngại tình trạng nhập cảnh bất hợp pháp

- Phóng viên:  Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 quay trở lại, Đồng Nai đã làm gì để thực hiện công tác phòng chống dịch, nhất là các trường hợp trở về từ vùng dịch, thưa ông?

- TS.BS. Phan Huy Anh Vũ: Kể từ ngày 25-7, khi có ca nhiễm Covid-19 lây lan trong cộng đồng tại Đà Nẵng, thì hệ thống phòng chống dịch Covid-19 của cả nước đều vào cuộc, trong đó có Đồng Nai. Sở Y tế đã tham mưu cho Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 tỉnh ra những văn bản kịp thời để phòng chống dịch này.

Ngay ngày 26-7, Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 tỉnh đã có văn bản yêu cầu các địa phương tổ chức cách ly tại nhà cho những người đi từ Đà Nẵng hoặc các nơi có dịch trở về. Đến ngày 30-7, toàn tỉnh đã thực hiện cách ly gần 1.400 trường hợp trở về từ các vùng dịch như: Đà Nẵng, Quảng Nam, Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đắc Lắk… Đa phần người dân đều thực hiện cách ly tại nhà và khai báo y tế. Trong số gần 1.400 người trở về từ vùng dịch, có 5 người có biểu hiện: ho, sốt đã được đưa vào cách ly tập trung tại Bệnh viện Phổi Đồng Nai. May mắn là tất cả 5 trường hợp này đều âm tính với virus SARS-CoV-2 sau lần xét nghiệm đầu tiên.

Để làm được các công tác giám sát cộng đồng và cách ly tập trung này, cả ngành Y tế và chính quyền các địa phương trong tỉnh phải làm việc cật lực. Vì trung bình với mỗi huyện, thành phố có đến hàng trăm trường hợp phải cách ly tại nhà. Như vậy, việc giám sát quá trình cách ly tại nhà của người dân là vấn đề không đơn giản. Chúng tôi phải giải quyết khối lượng công việc rất lớn.

Đo thân nhiệt cho người dân trước khi vào bệnh viện tại BVĐK Thống Nhất
Đo thân nhiệt cho người dân trước khi vào Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất (Ảnh: Khánh Lộc)

Ngoài ra, chúng tôi cũng kích hoạt lại tất cả hệ thống phòng chống dịch của các bệnh viện trong và ngoài công lập. Từ ngày 30-7, tất cả các bệnh viện, trung tâm Y tế trên toàn tỉnh đều triển khai việc tầm soát bệnh lý hô hấp đang nằm tại các bệnh viện nhằm sàng lọc Covid-19.

- PV: Như vậy, ngành Y tế đã không chủ quan trước dịch bệnh. Trong đợt dịch lần này, có những diễn biến bất ngờ nào mà theo ông là đáng lo ngại?

- TS.BS. Phan Huy Anh Vũ: Trong đợt phòng chống dịch Covid-19 lần này, chúng tôi có 2 mối lo. Thứ nhất là tình trạng nhập cảnh bất hợp pháp, nhiều nhất là từ Campuchia vào địa phận tỉnh Đồng Nai. Từ đầu năm đến nay, có hơn 100 người Campuchia nhập cảnh trái phép. Những người nhập cảnh trái phép này cũng được chia làm 2 dạng, đó là được phát hiện ngay khi nhập cảnh, hoặc 1 ngày sau khi nhập cảnh mới phát hiện. Chúng tôi đã tiến hành cách ly tập trung 14 ngày, xét nghiệm cho tất cả những trường hợp này.

Ngoài ra, chúng ta không thể loại trừ được những người từ Trung Quốc nhập cảnh trái phép vào Việt Nam hay không. Lực lượng công an, quân đội của các địa phương đang quyết liệt thực hiện kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ các đường mòn, lối mở để tránh tình trạng đưa người nhập cảnh trái phép vào địa bàn tỉnh. Cho đến nay, toàn tỉnh chưa phát hiện trường hợp người Trung Quốc nhập cảnh trái phép nào vào Đồng Nai

Mối lo thứ 2 là trong số gần 1.400 người trở về từ các vùng dịch sẽ như thế nào trong 14 ngày cách ly tại nhà. Chúng ta không thể biết được ai trong số họ sẽ bị bệnh. Đây chính là áp lực lớn đối với ngành Y tế và các địa phương. Do đó, chúng tôi phải giám sát cộng đồng chặt chẽ và coi họ như những trường hợp F1 để nâng cao cảnh giác, nâng mức phòng dịch. Đặc biệt, chúng tôi rất coi trọng sự trung thực của người dân trong việc khai báo y tế khi ở các vùng dịch trở về. Theo thông báo khẩn số 18 vào sáng 30-7 của Bộ Y tế, người dân đến 29 địa điểm ở Đà Nẵng, Quảng Nam, Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh cần khai báo ngay với chúng tôi để đưa đi cách ly tập trung. Việc này đòi hỏi ý thức tự giác của người dân.

* Chống dịch khó nhưng không hoang mang

- PV: Thưa ông, vậy tất cả những trường hợp cách ly tại nhà có thực hiện nghiêm việc cách ly hay không?

- TS.BS. Phan Huy Anh Vũ: Đa phần người dân đều chấp hành việc tự cách ly tại nhà như không ra ngoài, không đi lại và tiếp xúc với người khác. Tuy nhiên, 2 ngày gần đây, toàn tỉnh đã có 3 gia đình không chấp hành nghiêm việc cách ly tại nhà. Cụ thể, một gia đình ở P. Bình Đa, TP. Biên Hòa sau khi đi du lịch từ Đà Nẵng trở về và nhận quyết định cách ly tại nhà nhưng họ vẫn mở cửa phòng khám để khám bệnh; một gia đình ở P.Thống Nhất trở về từ Đà Nẵng nhưng tự ý ra khỏi nhà sau khi nhận quyết định cách ly; 1 gia đình bán tạp hóa ở huyện Nhơn Trạch trở về từ Đà Nẵng vẫn tiếp tục mở cửa bán hàng. Tất cả các trường hợp này, chúng tôi đã phát hiện và can thiệp kịp thời để họ chấp hành lệnh cách ly.

Bác sĩ khám sàng lọc Covid-19 cho những người có biểu hiện ho, sốt tại BVĐK Thống Nhất
Bác sĩ khám sàng lọc Covid-19 cho những người có biểu hiện ho, sốt tại BVĐK Thống Nhất (Ảnh: Khánh Lộc)

Sau này, các trường hợp không thực hiện nghiêm việc cách ly tại nhà, chúng tôi sẽ thực hiện biện pháp mạnh là cưỡng chế đi cách ly tập trung. Tôi cho rằng, điều này là cần thiết để đảm bảo sự an toàn cho cộng đồng, cho người dân.

- PV: So với việc phòng chống dịch trước đây, lần này, công tác phòng chống dịch Covid-19 phải đối mặt với những khó khăn nào?

- TS.BS. Phan Huy Anh Vũ: Trước đây, mầm bệnh được xác định rõ là những người trở về từ nước ngoài nên chúng ta ngăn chặn ngay mầm bệnh, tránh lây lan trong cộng đồng. Nhưng trong đợt tái bùng phát dịch Covid-19 lần này sẽ khó khăn hơn nhiều so với trước đây. Nguyên nhân là không xác định được F0, không rõ được thời gian ủ bệnh trong cộng đồng. Nghĩa là chúng ta không thể xác định được bao nhiêu người đã tiếp xúc với những mầm bệnh. Việc này gây khó khăn trong việc tầm soát. Do đó, việc phát hiện sớm ca nhiễm phải dựa nhiều vào sự tự giác của mỗi người và giám sát cộng đồng.

- PV: Trong thời điểm này, ông có lời khuyên nào dành cho người dân để công tác phòng chống dịch đạt hiệu quả?

- TS.BS. Phan Huy Anh Vũ: Trong vài ngày gần đây, tôi đã nhận được nhiều cuộc gọi của người dân tỏ rõ sự hoang mang khi dịch Covid-19 tái bùng phát. Tuy nhiên, người dân cũng không quá hoảng loạn hay hoang mang, vì Chính phủ và chính quyền địa phương đều coi công tác phòng chống dịch là nhiệm vụ hàng đâu. Chúng tôi cũng chuẩn bị nhiều “lớp” để bảo vệ người dân.

Việc người dân cần phải làm ngay lúc này là không nên đến nơi đông người khi không cần thiết; cần đeo khẩu trang khi đến nơi đông người; rửa tay thường xuyên bằng xà phòng hoặc nước sát khuẩn. Đây là việc quan trọng và phòng dịch hiệu quả. Tôi khẳng định rằng, nếu tất cả đều đeo khẩu trang, đứng giãn cách 2 mét, thì mức lây lan gần như không còn.

Nếu bây giờ, chúng ta lơ là những việc đơn giản trên thì rất dễ mắc bệnh và lây lan cho những người thân, người xung quanh.

- PV: Xin cảm ơn ông!

Bích Nhàn (Thực hiện)

Tin xem nhiều