Báo Đồng Nai điện tử
En

Thảo luận về phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số

09:11, 01/11/2019

Sáng 1-11, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội thảo luận về Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn.

Sáng 1-11, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội thảo luận về Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn. Đề án được kỳ vọng sẽ góp phần nâng cao chất lượng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động là người dân tộc thiểu số; xóa bỏ phong tục, tập quán lạc hậu đi đôi với giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của các dân tộc; xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở vững mạnh; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và an ninh biên giới quốc gia; củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc, nâng cao niềm tin của đồng bào các dân tộc đối với Đảng, Nhà nước.

Thừa ủy quyền của Thủ tướng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu. Ảnh: TTXVN
Thừa ủy quyền của Thủ tướng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu. Ảnh: TTXVN

Thảo luận tại hội trường, các đại biểu Quốc hội cơ bản đồng tình với sự cần thiết xây dựng đề án; cho rằng đề án đã được chuẩn bị bài bản, công phu, nghiêm túc; việc xây dựng đề án sẽ tạo sinh kế, tăng thu nhập cho người dân, giảm nghèo nhanh, bền vững; giải quyết căn cơ một số yêu cầu bức thiết về đời sống của đồng bào các dân tộc. Góp phần tăng cường quốc phòng, an ninh, đối ngoại; xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở vững mạnh; thu hẹp dần khoảng cách với vùng phát triển; xây dựng vững chắc khối đại đoàn kết toàn dân tộc; tạo chuyển biến lớn trong đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn.

Bên cạnh đó, các đại biểu cũng chỉ ra những mặt trái của nền kinh tế thị trường đang có xu hướng làm mai một bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc miền núi và dân tộc thiểu số, đặc biệt là về trang phục và tiếng nói. Do vậy, Nhà nước cần khẩn trương đưa ra các biện pháp, hoạt động để ngăn chặn tình trạng này, góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa của các dân tộc thiểu số.

Khẳng định ý nghĩa chính trị, tầm quan trọng và tính cấp thiết về việc xây dựng và triển khai Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn, Phó chủ tịch thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng đề nghị, nội dung đề án cần quan tâm phát triển lâm nghiệp, nhà ở, đất ở… đảm bảo người dân sống được  từ rừng; đào tạo cán bộ dân tộc thiểu số; lồng ghép nội dung bình đẳng giới; đặc biệt quan tâm đến những dân tộc còn ít người; coi trọng công tác tuyên truyền, khích lệ đồng bào tự lực vươn lên, không cam chịu đói nghèo; duy trì và phát huy bản sắc dân tộc; phát huy kinh tế du lịch địa phương.

Chiều cùng ngày, Quốc hội thảo luận ở hội trường về các nội dung: dự thảo Nghị quyết về khoanh tiền nợ thuế, xóa tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước; việc cho lùi thời gian thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản và khai thác tài nguyên nước; việc sử dụng 20% kinh phí kết dư Quỹ Khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế năm 2015. Các thành viên Chính phủ cũng đã phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.

P.V

 

Tin xem nhiều