Báo Đồng Nai điện tử
En

Ông Hoàng Thanh Tùng được bầu làm Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội khóa XIV

10:11, 25/11/2019

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, chiều  25-11, Quốc hội đã tiến hành bầu Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội khóa XIV bằng hình thức bỏ phiếu kín và thông qua Nghị quyết về hoạt động này.

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, chiều  25-11, Quốc hội đã tiến hành bầu Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội khóa XIV bằng hình thức bỏ phiếu kín và thông qua Nghị quyết về hoạt động này. Theo đó, ông Hoàng Thanh Tùng đã được Quốc hội bầu giữ chức Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội khóa XIV.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chúc mừng ông Hoàng Thanh Tùng được Quốc hội bầu làm Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chúc mừng ông Hoàng Thanh Tùng được Quốc hội bầu làm Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội

 

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chúc mừng ông Hoàng Thanh Tùng được Quốc hội tín nhiệm bầu giữ chức vụ Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội khóa XIV, đồng thời mong muốn tân Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật tiếp tục nỗ lực phấn đấu, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trên cương vị mới mà Đảng, Quốc hội tin tưởng giao phó.

Trước đó, với đa số đại biểu tán thành, Quốc hội đã thông qua: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức.

Sáng cùng ngày, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận tại hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp. Qua thảo luận, các đại biểu cơ bản tán thành với Tờ trình của Chính phủ về quan điểm chỉ đạo sửa đổi, bổ sung dự án luật nhằm tháo gỡ vướng mắc, bất cập về thể chế, khắc phục ngay những tồn tại, khó khăn trong công tác giám định tư pháp phục vụ giải quyết án tham nhũng, kinh tế, không mở rộng sửa đổi sang các nội dung của luật đã có tính ổn định, bền vững. Tuy nhiên, có ý kiến đại biểu cho rằng, đây là nội dung hoàn toàn mới, chưa được đặt ra trong quá trình tổng kết thi hành luật, hồ sơ dự án luật chưa báo cáo, đánh giá đầy đủ về vấn đề này nên cần được nghiên cứu kỹ lưỡng…       

P.V

 

Tin xem nhiều