Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, chiều 19-11, Quốc hội đã biểu quyết thông qua 5 luật, bao gồm: Luật Đặc xá (sửa đổi); Luật Trồng trọt; Luật Chăn nuôi; Luật Cảnh sát biển Việt Nam; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học.
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, chiều 19-11, Quốc hội đã biểu quyết thông qua 5 luật, bao gồm: Luật Đặc xá (sửa đổi); Luật Trồng trọt; Luật Chăn nuôi; Luật Cảnh sát biển Việt Nam; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học.
Các đại biểu Quốc hội ấn nút biểu quyết thông qua Luật Trồng trọt. |
Các trường hợp không được đề nghị đặc xá, Luật Đặc xá (sửa đổi) quy định: Người bị kết án phạt tù về tội phản bội Tổ quốc; tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân; tội gián điệp; tội xâm phạm an ninh lãnh thổ; tội bạo loạn; tội khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân; tội phá hoại cơ sở vật chất - kỹ thuật của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; tội làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; tội phá rối an ninh; tội chống phá cơ sở giam giữ; tội khủng bố và một trong các tội quy định tại chương các tội phá hoại hòa bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh của Bộ luật Hình sự.
Luật Trồng trọt gồm 7 chương, 85 điều, quy định về hoạt động trồng trọt; quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân hoạt động trồng trọt; quản lý nhà nước về trồng trọt.
Luật Chăn nuôi quy định về hoạt động chăn nuôi; quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân trong hoạt động chăn nuôi; quản lý nhà nước về chăn nuôi với 8 chương, 83 điều.
Luật Cảnh sát biển gồm 8 chương, 41 điều, quy định về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn; tổ chức và hoạt động của Cảnh sát biển Việt Nam; chế độ, chính sách đối với Cảnh sát biển Việt Nam; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan. Luật quy định cảnh sát biển Việt Nam là lực lượng vũ trang nhân dân, lực lượng chuyên trách của Nhà nước, làm nòng cốt thực thi pháp luật và bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn trên biển.
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học trong đó quy định trường đại học công lập có quyền quyết định về cơ cấu tổ chức, cơ cấu lao động, thành lập, sáp nhập, chia, tách, giải thể các đơn vị của trường đại học; ban hành danh mục vị trí việc làm, tiêu chuẩn và điều kiện làm việc của từng vị trí; quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý cán bộ, giảng viên, viên chức và người lao động phù hợp với quy định của pháp luật…
Trước đó, sáng 19-11, các đại biểu Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi).
Theo TTXVN