(ĐN)- Bệnh viện Quốc tế Hoàn Mỹ Đồng Nai vừa phẫu thuật và điều trị thành công một trường hợp bị chấn thương đầu sau té ngã hơn 3 tháng do máu tụ dưới màng cứng mãn tính.
(ĐN)- Bệnh viện Quốc tế Hoàn Mỹ Đồng Nai vừa phẫu thuật và điều trị thành công một trường hợp bị chấn thương đầu sau té ngã hơn 3 tháng do máu tụ dưới màng cứng mãn tính.
Bác sĩ Khoa ngoại Chấn thương, chỉnh hình - phục hồi chức năng Bệnh viện Quốc tế Hoàn Mỹ Đồng Nai tái khám cho ông D. sau phẫu thuật. |
Bệnh nhân là ông T.H.D., 58 tuổi, ngụ tại phường Quyết Thắng (TP Biên Hòa) đến Bệnh viện Quốc Tế Hoàn Mỹ Đồng Nai để khám trong tình trạng đau đầu nhiều, yếu nửa người trái, không đi lại được, trí nhớ giảm sút, tiếp xúc chậm. Theo gia đình ông D., trước đây khoảng ba tháng ông đã bị té ngã tại nhà nhưng vì chưa thấy dấu hiệu nào nghiêm trọng nên không đi bệnh viện.
Qua khám lâm sàng và kết quả CT scanner, ông T.H.D được bác sĩ chẩn đoán máu tụ dưới màng cứng mãn tính ở bán cầu trái gây chèn ép não, bệnh nhân D. được điều trị bằng phương pháp phẫu thuật lấy máu tụ dưới màng cứng mãn tính. Sau phẫu thuật, sức khỏe bệnh nhân D. hồi phục tốt, trí nhớ trở lại bình thường, tỉnh táo và hết yếu nửa người trái.
BS CKI Vũ Ngọc Bảo Quỳnh, Khoa ngoại Chấn thương, chỉnh hình - phục hồi chức năng, cho biết nguyên nhân bị máu tụ dưới màng cứng mãn tính thường là do chấn thương đầu nhẹ, các dấu hiệu không rõ ràng và chưa xuất hiện ngay, nên người bệnh chủ quan và không đi khám.
Điều cần chú ý đối với căn bệnh này là sự nhầm lẫn của người bệnh khi cứ nghĩ tình trạng bệnh là một bệnh lý nội khoa như tai biến mạch máu não và sẽ đến khám nội khoa. Tụ máu dưới màng cứng mãn tính nếu không được phát hiện và xử trí kịp thời thì sẽ gây nguy hiểm đến tính mạng. Trong khi nếu được phát hiện, chẩn đoán đúng và can thiệp kịp thời thì tình trạng bệnh nhân sẽ hồi phục nhanh chóng.
Những người có nguy cơ bị máu tụ dưới màng cứng mãn tính là những người lớn tuổi, các mạch máu trên vỏ não trở nên yếu hơn, khiến chúng dễ bị tổn thương và gây chảy máu hơn; những người đang điều trị và sử dụng thuốc kháng đông do bị rối loạn chức năng đông máu; những người nghiện rượu, chức năng đông máu thường bị rối loạn, não teo nhanh và sớm hơn bình thường. Thêm vào đó, người nghiện rượu hay bị té ngã nên dễ bị chấn thương đầu nhiều hơn người bình thường.
Đặng Ngọc