Tiếp tục Chương trình làm việc, sáng 12/7, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về việc điều chỉnh đối tượng sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ dự phòng giai đoạn 2012-2015 của Chương trình Kiên cố hóa trường lớp và tiến hành bế mạc Phiên họp thứ 12 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chủ trì và phát biểu bế mạc Phiên họp thứ 12 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV. (Ảnh: Trọng Đức/TTXVN) |
Tại các Nghị quyết trên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép bố trí 1.999,62 tỷ đồng để đầu tư xây dựng phòng học của trường mầm non đã được phê duyệt tại Quyết định số 20/2008/QĐ-TTg thuộc các huyện nghèo quy định tại Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP về Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 61 huyện nghèo.
Theo Báo cáo của Chính phủ, tổng số vốn trái phiếu Chính phủ đã giao trong năm 2016 và dự kiến giao trong năm 2017 là 1.300,916 tỷ đồng. Số vốn trái phiếu Chính phủ còn lại chưa giao là 698,704 tỷ đồng. Trong đó, 210,42 tỷ đồng vốn trái phiếu Chính phủ giao cho 14 tỉnh để xây dựng 167 phòng học song do nhu cầu cấp bách nên các tỉnh đã huy động các nguồn vốn khác để đầu tư và 488,284 tỷ đồng vốn trái phiếu Chính phủ tiết kiệm được của 22 tỉnh do địa phương huy động thêm vốn đối ứng, giảm suất đầu tư.
Để sử dụng hiệu quả, đúng mục đích phần vốn chưa được giao, Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép các địa phương được sử dụng 698,704 tỷ đồng đầu tư xây dựng 880 phòng học mầm non thuộc các huyện nghèo tại Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ và các huyện có tỷ lệ hộ nghèo cao được áp dụng cơ chế, chính sách đầu tư cơ sở hạ tầng theo quy định của Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ, không thuộc danh mục các phòng học phê duyệt tại Quyết định số 20/2008/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Số vốn này chủ yếu dự kiến để lại cho các địa phương đã được phân bổ trước đây nhưng chưa sử dụng để tiếp tục đầu tư các phòng học mầm non, không điều chuyển cho các địa phương khác.
Riêng 21,316 tỷ đồng là kinh phí tiết kiệm của sáu tỉnh (Tuyên Quang, Cao Bằng, Hòa Bình, Bắc Kạn, Quảng Nam, Gia Lai), Chính phủ dự kiến điều chuyển cho tỉnh Thanh Hóa do sáu địa phương này không đề xuất bổ sung xây dựng phòng học mầm non. Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép các địa phương kéo dài thời gian giao vốn thực hiện kế hoạch đến hết năm 2018.
Thẩm tra tờ trình của Chính phủ, Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội cho rằng thực tế nhu cầu đầu tư phòng học Mầm non giai đoạn 2016-2025 là rất lớn, nguồn lực đầu tư từ ngân sách nhà nước còn nhiều khó khăn, mới chỉ đáp ứng được một phần (6.000/31.328 tỷ đồng).
Nghị quyết số 1096/NQ-UBTVQH13 đã bố trí 1.999,62 tỷ đồng để xây dựng các phòng học của trường mầm non từ cuối năm 2015 song vẫn còn 698,704 tỷ đồng chưa được sử dụng. Đến nay, Chính phủ mới trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định nội dung này là chậm trễ, ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư, sử dụng vốn.
Việc bố trí phần vốn trái phiếu Chính phủ chưa sử dụng này để đầu tư xây dựng 880 phòng học mầm non thuộc các huyện nghèo theo Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP và các huyện có tỷ lệ hộ nghèo cao được áp dụng cơ chế, chính sách đầu tư cơ sở hạ tầng theo quy định của Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP (không nằm trong Danh mục các phòng học đã được phê duyệt tại Quyết định số 20/2008/QĐ-TTg) là cần thiết, đúng đối tượng ưu tiên đầu tư để hỗ trợ các địa phương có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn trong quá trình thực hiện Chương trình kiên cố hóa trường, lớp học.
Đối với 21,316 tỷ đồng là kinh phí tiết kiệm của sáu tỉnh dự kiến điều chuyển cho tỉnh Thanh Hóa, Chính phủ cần chỉ đạo các bộ, ngành liên quan trao đổi, tạo sự đồng thuận với các địa phương trước khi thực hiện.
Thảo luận tại phiên họp, đa số các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành với Tờ trình của Chính phủ. Tuy nhiên, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ giải trình rõ nguyên nhân tiến độ phân bổ vốn chậm, nhất là thủ tục phân bổ, thủ tục đầu tư.
Một số ý kiến đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương liên quan rút kinh nghiệm, khẩn trương hoàn thiện thủ tục đầu tư để đẩy nhanh tiến độ phân bổ, tránh tình trạng đọng vốn, góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư; đề nghị Bộ Xây dựng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp ban hành thủ tục mẫu, hồ sơ mẫu, đặc biệt cần thiết kế phòng học mẫu để đẩy nhanh quá trình chuẩn bị đầu tư, giao vốn.
Một số đại biểu đề nghị có đánh giá chi tiết Chương trình kiên cố hóa trường lớp, vì việc thực hiện Chương trình từ năm 2008 đến nay đã gần 10 năm, tình hình đã có nhiều thay đổi. Hơn nữa, sau khi kiên cố hóa lớp học, trường học thì cần đánh giá hoạt động giáo dục ở tỉnh đó có thay đổi như thế nào sau đầu tư để thấy được hiệu quả đầu tư.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí ban hành Nghị quyết để điều chỉnh một số nội dung liên quan đến Nghị quyết 916/NQ-UBTVQH13 và Nghị quyết số 1096/NQ-UBTVQH13 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về phân bổ vốn trái phiếu Chính phủ dự phòng giai đoạn 2012-2015 để xây dựng các phòng học của trường mầm non tại các huyện nghèo theo Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP. Qua đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý về việc điều chỉnh danh mục mức vốn là 698,704 tỷ đồng để đầu tư xây dựng 880 phòng học theo đề nghị của Chính phủ nhưng phải bảo đảm đúng nguyên tắc các đối tượng được sử dụng vốn phải là trường mầm non thuộc các huyện nghèo và thuộc diện Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP; cho phép các địa phương được kéo dài thời gian giao vốn thực hiện kế hoạch đến hết năm 2018 để bảo đảm đủ thời gian hoàn thiện thủ tục đầu tư và giao vốn theo quy định. Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao cho Ủy ban Tài chính-Ngân sách, Ủy ban Pháp luật, Bộ Kế hoạch và Đầu tư hoàn chỉnh dự thảo Nghị quyết trình Chủ tịch Quốc hội ký ban hành.
Tiếp đó, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiến hành bế mạc Phiên họp.
Phát biểu bế mạc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị Chính phủ, Thường trực các Ủy ban Pháp luật, Tài chính-Ngân sách, Đối ngoại, Tổng Thư ký Quốc hội và các cơ quan, tổ chức hữu quan tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, hoàn chỉnh các Nghị quyết, Báo cáo và các văn bản khác liên quan đến các nội dung mà Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến, quyết định.
Đồng thời, Chủ tịch Quốc hội đề nghị chuẩn bị Dự thảo thông báo Kết luận về nội dung liên quan đến từng lĩnh vực phụ trách; giao Tổng Thư ký Quốc hội tổng hợp kết luận về các nội dung cụ thể thành Thông báo kết luận chung của Phiên họp này, sau đó gửi tới các cơ quan, tổ chức, cá nhân hữu quan để nghiên cứu, tiếp thu, triển khai thực hiện.
Tại các Phiên họp tháng 8 và Phiên họp tháng 9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tập trung cho ý kiến về các dự án Luật và một số nội dung khác trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4. Do thời điểm diễn ra Phiên họp tháng 10 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ gần sát vào thời điểm khai mạc Kỳ họp thứ 4, tại Phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tập trung cho ý kiến các vấn đề liên quan đến kinh tế- xã hội; vì vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư tập trung, chuẩn bị đầy đủ.
Tại Phiên bế mạc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân bày tỏ chia sẻ với những mất mát, thiệt hại về người và tài sản do các đợt mưa lũ gây ra tại các tỉnh miền núi phía Bắc. Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu Quốc hội đã ứng cử tại các địa phương này cần quan tâm, chú ý, theo dõi, kịp thời có những đề xuất, kiến nghị để Chính phủ giải quyết, giúp đỡ khó khăn cho các địa phương, nhất là không để đồng bào dân tộc miền núi bị đói./.
(TTXVN/VIETNAM+)