Báo Đồng Nai điện tử
En

Chủ tịch Quốc hội Cuba dự phiên họp Quốc hội Việt Nam

03:06, 12/06/2017

Thực hiện Chương trình Kỳ họp thứ 3, sáng 12/6, các đại biểu Quốc hội làm việc tại hội trường, biểu quyết thông qua dự thảo Nghị quyết về Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2018 và dự thảo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; thảo luận về quyết toán ngân sách nhà nước năm 2015.

Thực hiện Chương trình Kỳ họp thứ 3, sáng 12/6, các đại biểu Quốc hội làm việc tại hội trường, biểu quyết thông qua dự thảo Nghị quyết về Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2018 và dự thảo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; thảo luận về quyết toán ngân sách nhà nước năm 2015. 
Chủ tịch Quốc hội Cu Ba Esteban Lazo Hernández đã đến dự và phát biểu tại Phiên họp toàn thể, Kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XIV. (Ảnh: Trọng Đức/TTXVN)
Chủ tịch Quốc hội Cu Ba Esteban Lazo Hernández đã đến dự và phát biểu tại Phiên họp toàn thể, Kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XIV. (Ảnh: Trọng Đức/TTXVN)
Ông Esteban Lazo Hernandez, Ủy viên Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Cuba, Chủ tịch Quốc hội tham dự và có bài phát biểu trước Quốc hội trong phiên làm việc sáng nay. 

Giám sát chuyên đề "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, giai đoạn 2011-2016" 

Với 88,80% đại biểu có mặt tán thành, Quốc hội đã biểu quyết thông qua dự thảo Nghị quyết về Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2018. 

​Năm 2018, tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội xem xét báo cáo bổ sung của Chính phủ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2017; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2018; báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước năm 2016 và các báo cáo khác của các cơ quan hữu quan theo quy định của pháp luật. Quốc hội xem xét báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thực hiện kiến nghị giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội (nếu có); báo cáo về kết quả giám sát vấn đề bức xúc, nổi lên trong lĩnh vực phụ trách của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội do Ủy ban Thường vụ Quốc hội lựa chọn trình Quốc hội xem xét, thảo luận tại kỳ họp (nếu có); báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 4.

Tại phiên họp này, Quốc hội sẽ tiến hành hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội; giám sát chuyên đề việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản Nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, giai đoạn 2011-2016. 

Lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu và phê chuẩn 

Cũng trong năm 2018, tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội xem xét các báo cáo: công tác năm 2018 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội; của Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước; báo cáo của Chính phủ về thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2018; báo cáo của Chính phủ, Tòa án Nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao về việc giải quyết khiếu nại, tố cáo; báo cáo của Chính phủ về tình hình thi hành Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội; các báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng, về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác thi hành án, về việc thực hiện mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới; các báo cáo khác của các cơ quan hữu quan theo quy định của pháp luật. 

Quốc hội xem xét báo cáo tổng hợp của các thành viên Chính phủ, báo cáo của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán Nhà nước và những người bị chất vấn khác về việc thực hiện nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn tại kỳ họp, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về chất vấn tại phiên họp. Quốc hội sẽ xem xét báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thực hiện kiến nghị giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội (nếu có); báo cáo về kết quả giám sát vấn đề bức xúc, nổi lên trong lĩnh vực phụ trách của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội do Ủy ban Thường vụ Quốc hội lựa chọn trình Quốc hội xem xét, thảo luận tại kỳ họp (nếu có). Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 5; Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về kết quả giám sát việc tiếp công dân, xử lý khiếu nại, tố cáo. 

Quốc hội tiến hành hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội; lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu và phê chuẩn theo Nghị quyết số 85/2014/QH13, ngày 28/11/2014 của Quốc hội. 

Thông qua dự thảo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa 

Trong sáng nay, với 83,50% đại biểu Quốc hội có mặt tán thành, Quốc hội đã biểu quyết thông qua dự thảo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Luật gồm 4 chương, 35 điều. 

Trước khi biểu quyết thông qua dự thảo Luật, các đại biểu Quốc hội đã nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Báo cáo cho biết, đối với ý kiến đề nghị bổ sung đối tượng áp dụng của Luật là các cơ sở giáo dục và đào tạo ngoài công lập; có chính sách ưu tiên hỗ trợ doanh nghiệp sử dụng lao động là người khuyết tật; doanh nghiệp đầu tư vào các ngành, lĩnh vực bảo vệ môi trường; doanh nghiệp hoạt động trong các ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự. 

Ủy ban Thường vụ Quốc hội có quan điểm, phạm vi điều chỉnh của Luật này là hỗ trợ theo quy mô doanh nghiệp, đó là các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Các doanh nghiệp này, nếu được thành lập, hoạt động theo Luật Doanh nghiệp và đáp ứng tiêu chí là doanh nghiệp nhỏ và vừa theo quy định của Luật này sẽ được hưởng các hỗ trợ. 

Tuy nhiên, nếu bổ sung chính sách ưu tiên hỗ trợ cho nhiều loại đối tượng doanh nghiệp sẽ dẫn đến trùng lắp với phạm vi điều chỉnh của các luật khác. Do vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin Quốc hội được giữ như dự thảo Luật. 

Đối với đề nghị không nên bình quân dàn đều giữa doanh nghiệp siêu nhỏ và nhỏ với doanh nghiệp vừa vì có sự khác nhau rất lớn về năng lực và quy mô; cần tập trung hỗ trợ cho doanh nghiệp siêu nhỏ và nhỏ bao gồm cả hộ kinh doanh với quy mô từ 10-20 tỷ đồng doanh thu và từ 20 - 30 lao động trở xuống, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết định hướng của dự thảo Luật là hỗ trợ nhiều hơn cho doanh nghiệp có quy mô nhỏ hơn. 

Bên cạnh những hỗ trợ chung, dự thảo Luật đã có một số quy định hỗ trợ cho doanh nghiệp siêu nhỏ, doanh nghiệp nhỏ (Điều 10, Điều 13). Các hỗ trợ cụ thể về thuế sẽ trình Quốc hội khi sửa đổi các luật thuế và dự kiến doanh nghiệp siêu nhỏ, doanh nghiệp nhỏ được áp dụng mức hỗ trợ thuế cao hơn./.
QUỲNH HOA (TTXVN/VIETNAM+)

 

Tin xem nhiều