Báo Đồng Nai điện tử
En

Tiêu chí xây dựng nông thôn mới cần sát với yêu cầu thực tế

11:11, 04/11/2016

Ngày 4-11, Quốc hội dành cả ngày thảo luận tại hội trường về kết quả giám sát "Việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (giai đoạn 2010-2015) gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp". Đây là vấn đề quan trọng, có tác động trực tiếp đến sự phát triển chung của đất nước.

Ngày 4-11, Quốc hội dành cả ngày thảo luận tại hội trường về kết quả giám sát “Việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (giai đoạn 2010-2015) gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp”. Đây là vấn đề quan trọng, có tác động trực tiếp đến sự phát triển chung của đất nước.

Thảo luận tại hội trường, nhiều vấn đề được các đại biểu Quốc hội phân tích, thảo luận kỹ là: làm gì để tái cơ cấu nhanh nền nông nghiệp Việt Nam, giải quyết vấn đề nợ đọng xây dựng cơ bản trong xây dựng nông thôn mới, điều chỉnh bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới...

Trong xây dựng nông thôn mới, một số khoản nợ được các địa phương thống kê, tuy nhiên thực tế vẫn đang trong thời hạn thanh toán; một số nơi chậm hoàn thiện hồ sơ, thủ tục thanh quyết toán đầu tư xây dựng dẫn đến chậm giải ngân các nguồn vốn. Đại biểu Bạch Thị Hương Thủy (Hòa Bình) nhận định: đây là một báo động cho thấy sự hạn chế, bất cập ảnh hưởng trực tiếp đến việc triển khai đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Quan tâm đến việc thực hiện bộ tiêu chí về nông thôn, nhiều đại biểu đánh giá bộ tiêu chí còn nhiều điểm bất cập. Mặc dù đã được sửa đổi nhưng một số tiêu chí, chỉ tiêu, như: giao thông, thủy lợi, cơ sở vật chất văn hóa, chợ nông thôn, bưu điện, nhà ở, nghĩa trang vẫn chưa hoàn toàn phù hợp với điều kiện đặc thù về địa lý và nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của từng vùng; những bản sắc văn hóa đặc trưng của các dân tộc; chưa đáp ứng yêu cầu phát triển. Một số tiêu chí: tổ chức sản xuất, văn hóa, môi trường chưa được quan tâm đúng mức trong chỉ đạo, thực hiện làm ảnh hưởng đến chất lượng xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Nhiều đại biểu Quốc hội nhận định, tích tụ ruộng đất để sản xuất hàng hóa quy mô lớn, thay đổi phương thức sản xuất là một trong những giải pháp quan trọng nhằm tái cơ cấu nông nghiệp. Tuy nhiên, phương thức này còn gặp nhiều hạn chế trong việc thực hiện tại các địa phương.

Trước đó, ngày 3-11, Quốc hội tiếp tục thảo luận về kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020; kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2016, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2017.   

P.V (tổng hợp)

Tin xem nhiều