Báo Đồng Nai điện tử
En

Hai di tích tại Đồng Nai đón nhận Bằng xếp hạng cấp quốc gia

02:11, 22/11/2016

(ĐN)- Sáng 22-11, UBND tỉnh tổ chức lễ công bố Quyết định và đón nhận Bằng xếp hạng di tích cấp quốc gia đặc biệt Mộ Cự thạch Hàng Gòn và di tích cấp quốc gia Văn miếu Trấn Biên.

[links()](ĐN)- Sáng 22-11, UBND tỉnh tổ chức lễ công bố Quyết định và đón nhận Bằng xếp hạng di tích cấp quốc gia đặc biệt Mộ Cự thạch Hàng Gòn và di tích cấp quốc gia Văn miếu Trấn Biên.

Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Phú Cường (ngoài cùng bên phải), cùng đại diện Bộ Văn hóa – thể thao và du lịch trao Bằng xếp hạng di tích cấp quốc gia đặc biệt đối với di tích Mộ Cự thạch Hàng Gòn cho lãnh đạo UBND TX.Long Khánh
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Phú Cường (ngoài cùng bên phải), cùng đại diện Bộ Văn hóa – thể thao và du lịch trao Bằng xếp hạng di tích cấp quốc gia đặc biệt đối với di tích Mộ Cự thạch Hàng Gòn cho lãnh đạo UBND TX.Long Khánh

Đến dự có các đồng chí: Nguyễn Phú Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Hòa Hiệp, Phó chủ tịch UBND tỉnh, cùng đại diện một số sở, ban ngành, lãnh đạo các huyện, TX.Long Khánh, TP.Biên Hòa và đông đảo người dân.

Mộ Cự thạch Hàng Gòn tọa lạc tại xã Hàng Gòn, TX.Long Khánh được kiến trúc sư người Pháp có tên là J.Bouchot phát hiện đầu tiên vào năm 1927. Ngay lập tức di tích này đã thu hút sự quan tâm của những người mê khảo cổ trên khắp thế giới. Năm 1982, Mộ Cự thạch Hàng Gòn được xếp hạng là di tích khảo cổ, kiến trúc cấp quốc gia.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hòa Hiệp (ngoài cùng bên phải) cùng đại diện Bộ Văn hóa – thể thao và du lịch trao Bằng xếp hạng di tích cấp quốc gia đối với Văn miếu Trấn Biên cho lãnh đạo Tổng công ty Công nghiệp thực phẩm Đồng Nai
Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hòa Hiệp (ngoài cùng bên phải) cùng đại diện Bộ Văn hóa – thể thao và du lịch trao Bằng xếp hạng di tích cấp quốc gia đối với Văn miếu Trấn Biên cho lãnh đạo Tổng công ty Công nghiệp thực phẩm Đồng Nai

Năm 2011, dự án trùng tu, tôn tạo di tích Mộ Cự thạch Hàng Gòn được khởi công thực hiện trên diện tích 37.120m2 với tổng kinh phí gần 20 tỷ đồng. Cho đến nay, di tích này còn chứa đựng rất nhiều bí ẩn đối với giới chuyên môn, như: cư dân nào đã xây dựng mộ? Bằng cách nào mà người cổ đã vận chuyển được những tấm đá, trụ đá hoa cương nặng hàng chục tấn từ các địa điểm khác đến Hàng Gòn vốn là vùng rừng núi bạt ngàn, địa hình tự nhiên đầy khó khăn, đường thủy không có?...

Còn Văn miếu Trấn Biên, với một bề dày lịch sử 300 năm từ khi hình thành, Văn miếu đã trở thành một mạch nguồn kết nối các giá trị văn hóa của vùng đất Trấn Biên xưa - Biên Hòa nay.

Theo Gia Định thành thông chí, chỉ 17 năm sau khi Chúa Nguyễn Phúc Chu phái Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh vào kinh lược phương Nam lập nên dinh Trấn Biên năm 1698, Văn miếu Trấn Biên đã được xây dựng. Kể từ đó, thiết chế văn hóa này tiếp tục được vun đắp và khẳng định văn hóa Đại Việt trên vùng đất mới hình thành. Văn miếu Trấn Biên cũng là văn miếu đầu tiên được xây dựng tại vùng đất phương Nam, trước cả văn miếu tại Gia Định và Vĩnh Long.

biểu diễn văn nghệ tại sự kiện
Biểu diễn văn nghệ chào mừng sự kiện

Đến năm 1861, Văn miếu Trấn Biên đã bị đốt phá. Năm 1998, thể theo ý nguyện của nhân dân, trong dịp kỷ niệm 300 năm hình thành và phát triển vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai (1698-1998), Tỉnh ủy - UBND tỉnh đã giao UBND TP.Biên Hòa làm chủ đầu tư nghiên cứu phục dựng Văn miếu Trấn Biên.

Năm 2002, công trình hoàn thành và đưa vào hoạt động. Từ đó đến nay, Văn miếu Trấn Biên trở thành một thiết chế văn hóa lớn của tỉnh, là nơi tổ chức nhiều hoạt động vinh danh hiền tài, phụng thờ những danh nhân văn hóa và Chủ tịch Hồ Chí Minh...

* Sáng cùng ngày, tại Văn miếu Trấn Biên đã diễn ra chương trình “Vinh danh Văn hóa Nam bộ” và tổ chức rước Bằng xếp hạng di tích cấp quốc gia. Đến dự, hơn 500 học sinh, các thành viên trong ban quý tế, ban quản lý đình, đền, miếu, di tích trong tỉnh đã được xem hoạt cảnh sân khấu, nghe thuyết minh về quá trình khai phá vùng đất phương nam của cha ông ngày trước do các thành viên trong Câu lạc bộ Nghiên cứu và Vinh danh văn hóa Nam bộ trình diễn.

Tin và ảnh: Văn Truyên

Tin xem nhiều