Báo Đồng Nai điện tử
En

Kỳ họp thứ 9 của Quốc hội khoá XIII: Kỳ họp của lòng dân

10:06, 26/06/2015

Diễn ra trong giai đoạn "về đích" của lộ trình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2015 và cả nhiệm kỳ 5 năm 2011-2015, Kỳ họp thứ 9, Quốc hội Khóa XIII có mục tiêu hàng đầu là "gút" lại những giải pháp cấp bách, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu mà kế hoạch đã đề ra.

Diễn ra trong giai đoạn “về đích” của lộ trình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2015 và cả nhiệm kỳ 5 năm 2011-2015, Kỳ họp thứ 9, Quốc hội Khóa XIII có mục tiêu hàng đầu là “gút” lại những giải pháp cấp bách, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu mà kế hoạch đã đề ra. 
Phiên họp toàn thể tại hội trường của Quốc hội khóa XIII, Kỳ họp thứ 9. (Ảnh: TTXVN)
Phiên họp toàn thể tại hội trường của Quốc hội khóa XIII, Kỳ họp thứ 9. (Ảnh: TTXVN)
Nhìn lại một tháng Quốc hội “sục sôi” những lời phát biểu “dậy sóng nghị trường,” những chủ đề thảo luận mà dư âm của nó lan tỏa trong mỗi câu chuyện đầu ngày, mỗi bữa cơm chiều xum họp với đầy ắp những niềm tin và hy vọng của cử tri về một giai đoạn phát triển mới của đất nước. Thêm một Kỳ họp của lòng dân

Thượng tôn Hiến pháp, bảo vệ quyền con người

Hơn 30 ngày họp có lẻ, xuyên suốt hai tháng cao điểm của đợt nắng nóng kỷ lục lên đến 40 độ C, cao nhất trong suốt hàng chục năm qua ở Thủ đô, làm việc ở hội trường, thảo luận ở tổ, họp với đoàn, tần suất làm việc của gần 500 vị đại biểu nhân dân “giăng kín” với một khối lượng công việc đồ sộ cần phải hoàn thành. 

Cũng bởi thế, 11 dự án luật đã được các đại biểu Quốc hội bấm nút thông qua sau quá trình thảo luận, tranh cãi xới đi, xới lại đến từng chi tiết nhỏ nhất. 15 dự án luật khác cũng đã được đặt lên bàn các đại biểu Quốc hội tại kỳ họp này để xin ý kiến đóng góp. 

Nhắc đến công tác xây dựng pháp luật nhằm tiếp tục cụ thể hóa Hiến pháp 2013 tại kỳ họp lần này, đáng chú ý có hai đạo luật về tổ chức hết sức hệ trọng, quy định tổ chức, bộ máy, phương thức hoạt động của cả hệ thống cơ quan Nhà nước từ Trung ương đến địa phương vừa được thông qua, đó là Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) và Luật Tổ chức Chính quyền địa phương. 

Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) ấn định một cơ cấu tổ chức mới của Chính phủ với những quyền hạn bổ sung cho Thủ tướng, vai trò, trách nhiệm của các thành viên Chính phủ và quy định cứng cả số lượng cấp phó của người đứng đầu bộ, cơ quan ngang bộ, các cơ quan thuộc Chính phủ. 

Đấy là ở trung ương còn tại địa phương, Luật Tổ chức chính quyền địa phương với quá trình soạn thảo, thảo luận công phu qua vài kỳ họp có hiệu lực ngay sau kỳ họp được kỳ vọng sẽ khắc phục những tồn tại trong việc phân định thẩm quyền giữa các cơ quan trung ương với địa phương và giữa các cấp chính quyền địa phương. Đáng chú ý, đạo luật này cũng “chốt” lại những ý kiến nhiều chiều về mô hình, nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng Nhân dân – cơ quan dân cử tại cơ sở.
Đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua luật. (Ảnh: TTXVN)
Đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua luật. (Ảnh: TTXVN)
Một nội dung xây dựng pháp luật khác cũng “hun nóng” diễn đàn Quốc hội kỳ này là “quyền im lặng” và “quy định bắt buộc ghi âm, ghi hình trong quá trình lấy lời khai” - hai tư tưởng rất mới, rất tiến bộ liên quan mật thiết đến quyền con người và đảm bảo quyền con người trong Hiến pháp khi Quốc hội bàn về sửa đổi Bộ Luật Tố tụng Hình sự. 

Việc Quốc hội bàn thảo về nội dung này trùng với thời điểm Ủy ban Thường vụ Quốc hội hoàn tất bản báo cáo giám sát chuyên đề “Tình hình oan, sai trong việc áp dụng pháp luật về hình sự, tố tụng hình sự và việc bồi thường thiệt hại cho người bị oan trong hoạt động tố tụng hình sự theo quy định của pháp luật” cho thấy tính hợp lý trong việc thiết kế chương trình kỳ họp. 

Đại biểu và cử tri có cơ sở để nhìn thấu những điểm mấu chốt và nhu cầu tất yếu phải khắc phục các tồn tại, đổi mới chính sách hình sự qua đó, hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng oan, sai; đồng thời quy định trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho người bị oan theo đúng định hướng cải cách nền tư pháp mà Đảng đã đề ra. 

Mặc dù còn nhiều ý kiến chưa đồng nhất, nhưng những tư tưởng cải cách mang tính đột phá này đều nhận được sự quan tâm, ủng hộ mạnh mẽ của cả giới học giả, tri thức và người dân trước những đóng góp tâm huyết cũng như quyết tâm đổi mới trong tư duy và quy trình làm luật của Quốc hội, đặc biệt là tinh thần thượng tôn Hiến pháp, cụ thể hóa tính ưu việt của bản Hiến pháp, bảo vệ một cách tốt hơn nữa quyền con người, quyền công dân. 

“Biển Đông chưa lặng sóng”

Trùng với thời điểm này một năm trước, cử tri và đồng bào cả nước không thể nào quên những quan điểm đanh thép, tuyên bố mạnh mẽ của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng: “Tình hình biển Đông đang diễn biến phức tạp khó lường, hòa bình và an ninh đang bị đe dọa.”

Câu nói dậy sóng nghị trường, đi thẳng vào lòng dân, như lời hiệu triệu khi giang sơn, đất nước lâm nguy. Kỳ ấy, đã có cả trăm ý kiến của các đại biểu Quốc hội lên án hành vi hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trên vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. 

Còn tại kỳ họp này, cử tri và nhân dân cả nước cũng cảm thấy thỏa lòng khi lắng nghe những phát biểu, đề xuất đầy tinh thần trách nhiệm với Tổ quốc, với nhân dân của các vị đại biểu Quốc hội bày tỏ quan ngại bởi “Biển Đông chưa lặng sóng.”

Lo lắng trước việc thời gian gần đây Trung Quốc đã cho cải tạo nhiều đảo là những bãi đá ngầm ở quần đảo Trường Sa vốn thuộc quyền chủ quyền của Việt Nam, ngay trên diễn dàn Quốc hội, trước cử tri và đồng bào cả nước, có những ý kiến đề xuất thẳng thắn: “Hành động cải tạo các bãi đá ngầm không thuộc về quyền chủ quyền của Trung Quốc, nghiêm trọng hơn là việc đem vũ khí hạng nặng ra các bãi đá này là hành động đi xâm chiếm, cả thế giới cần phải lên án kịch liệt hành động này và yêu cầu Trung Quốc phải có lòng tự trọng của một chính quyền nước lớn, phải biết xấu hổ khi đi xâm chiếm chủ quyền của các nước khác trong một kỷ nguyên hiện đại.”

Cả trên góc nhìn đạo đức xã hội, một nhà tu hành - vị đại biểu Quốc hội nổi tiếng với những tuyên bố “bình quốc, an dân,” phê phán việc Trung Quốc đẩy mạnh việc xây dựng bồi đắp các đảo nhân tạo trên quần đảo Trường Sa của Việt Nam là bước leo thang hết sức nguy hiểm và nghiêm trọng, là một hình thức vi phạm tiếp theo của Trung Quốc đối với chủ quyền của Việt Nam. Điều này là hoàn toàn trái ngược với tinh thần lấy nhân nghĩa làm gốc của Nho giáo. 

Kỳ này, Quốc hội cũng đã dành một phiên họp kín để nghe Chính phủ báo cáo về tình hình Biển Đông. Thảo luận về tình hình đất nước, dù ở các phiên họp tổ, hay trên hội trường, qua báo chí, người dân đều dễ dàng tìm kiếm những lên án mạnh mẽ của các vị đại biểu Quốc hội đối với hành vi đe dọa hòa bình trên Biển Đông. 

Hơn lúc nào hết, những người đại biểu của nhân dân dõng dạc kêu gọi nhiều hơn nữa tinh thần đoàn kết toàn dân tộc, lấy “nền tảng lòng dân” làm nguồn sức mạnh, kiên quyết bảo vệ hòa bình, bảo vệ chủ quyền Tổ quốc. Đó cũng là tiếng nói, là nguyện vọng, là tấm lòng của hàng triệu cử tri và nhân dân cả nước. 

Căn cơ hơn, có đại biểu kiến nghị Quốc hội, Chính phủ bày kế sách lâu dài cả về ngoại giao, quân sự và tài chính; dự báo, lên kịch bản để chủ động ứng phó với mọi tình huống, vừa đảm bảo giữ vững an ninh, quốc phòng của đất nước vừa tạo điều kiện cho ngư dân ra khơi đánh bắt hải sản và bảo vệ chủ quyền quốc gia, phát triển kinh tế biển. 

Thúc đẩy tăng trưởng, đảm bảo an sinh

Chú trọng công tác thông tin, tuyên truyền, với quan điểm “làm mới” một cách linh hoạt mọi hoạt động, đưa Quốc hội, các kỳ họp của Quốc hội ngày càng “chạm gần” hơn nữa với tâm tư, nguyện vọng của người dân, trong số 9 buổi phát thanh-truyền hình trực tiếp tại kỳ họp này, hầu hết được Ban Thư ký kỳ họp phân bổ cho những nội dung bàn thảo về tình hình phát triển kinh tế-xã hội của đất nước để cử tri và nhân dân theo dõi, đánh giá. 

Ghi nhận những tín hiệu vui từ kết quả phát triển kinh tế-xã hội ban đầu với 13/14 chỉ tiêu đạt và vượt mục tiêu đề ra năm 2014, những ý kiến phát biểu trên nghị trường cũng như ý kiến của cử tri đều bày tỏ niềm tin mạnh mẽ vào sự lãnh đạo của Đảng, công tác quản lý, điều hành của Nhà nước. 

Lật xới từng góc nhỏ của bức tranh kinh tế toàn cảnh, phân tích từng con số thống kê, các đại biểu của nhân dân “bắt mạch” những điểm “gợn” lên trong vòng quay mượt mà của sự phát triển rồi hiến kế cho Quốc hội, Chính phủ để thống nhất những nhiệm vụ 6 tháng còn lại, trải “tấm thảm đỏ” cho nền kinh tế phát triển nhanh, bền vững giai đoạn tiếp theo. 

Ý thức được một bộ phận người dân còn gặp nhiều khó khăn trong đời sống, với đa số phiếu thuận, Quốc hội đã thông qua nghị quyết về việc thực hiện chính sách hưởng bảo hiểm xã hội một lần đối với người lao động - một nội dung được rất nhiều cử tri và đại biểu quan tâm từ trước kỳ họp. 

Với việc ban hành Nghị quyết này, Quốc hội đồng ý cho người lao động được bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội để đủ điều kiện hưởng lương hưu nhằm đảm bảo cuộc sống khi hết tuổi lao động theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội (năm 2014).

Không chỉ có vậy, yêu cầu của Quốc hội với Chính phủ còn là bảo đảm cho người lao động được bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội hoặc được nhận bảo hiểm xã hội một lần; công khai, minh bạch thông tin về việc đóng, hưởng bảo hiểm xã hội cho người lao động, người sử dụng lao động; tăng cường thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về bảo hiểm xã hội.

Trong mỗi kỳ họp Quốc hội, nhân dân cả nước rất quan tâm đến các phiên chất vấn các thành viên Chính phủ. Đây là một đợt sinh hoạt chính trị có ý nghĩa rất lớn và thể hiện rõ nét nhất những đổi mới liên tục trong hoạt động của Quốc hội tại các kỳ họp gần đây. 

Bằng việc đặt trọng tâm vào chủ đề công, nông nghiệp; giáo dục, khoa học, chủ đề chất vấn của Kỳ họp thứ 9 đã đưa thẳng những câu chuyện từ lũy tre làng, từ cây lúa, con gà của người nông dân đến diễn đàn của cơ quan quyền lực cao nhất của đất nước, gần như thỏa mãn nỗi trông đợi của cử tri - đối tượng cuối cùng trực tiếp thụ hưởng chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. 

Với những đổi mới tinh tế, kịp thời và xác đáng, tạo dựng nên những cuộc đối thoại đầy ý nghĩa, thiết thực và hiệu quả tức thì, đây cũng là kỳ chất vấn hết sức thành công và nâng lên tầm cao mới như một ấn tượng đặc biệt của Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII và trở thành một trong những phiên chất vấn ấn tượng nhất của cả nhiệm kỳ trong lòng cử tri cả nước./.

(VIETNAM+)

Tin xem nhiều