Báo Đồng Nai điện tử
En

Không sử dụng đất, đá từ sân bay Biên Hòa

11:05, 08/05/2015

Nguồn gốc vật liệu dùng cho hoạt động san lấp dự án Cải tạo cảnh quan và phát triển đô thị ven sông Đồng Nai (dự án) không lấy từ sân bay Biên Hòa.

Nguồn gốc vật liệu dùng cho hoạt động san lấp dự án Cải tạo cảnh quan và phát triển đô thị ven sông Đồng Nai (dự án) không lấy từ sân bay Biên Hòa.

Phối cảnh dự án cải tạo cảnh quan và phát triển đô thị ven sông Đồng Nai.
Phối cảnh dự án cải tạo cảnh quan và phát triển đô thị ven sông Đồng Nai.

Đó là kết luận của đoàn công tác gồm Sở Tài nguyên - môi trường, Sở Xây dựng vào chiều 7-5, sau buổi làm việc với đại diện Trung đoàn 935 (đơn vị quản lý sân bay Biên Hòa), Công ty cổ phần đầu tư khoáng sản than Đông Bắc (Công ty Đông Bắc) và Công ty cổ phần đầu tư - kiến trúc - xây dựng Toàn Thịnh Phát (Công ty Toàn Thịnh Phát) để làm rõ nguồn gốc vật liệu sử dụng trong hoạt động san lấp của dự án do Công ty Toàn Thịnh Phát là chủ đầu tư.

Nguyên nhân có buổi làm việc trên là do trước đó, báo Thời Nay số 554 phát hành ngày 7-5 đã đăng tải bài viết: Dự án san lấp sông Đồng Nai: Có hay không việc đất đá nhiễm độc dioxin bị phát tán? Nội dung bài báo đặt nghi vấn một khối lượng khổng lồ đất, đá có nhiễm chất độc hóa học sau khi được đưa ra từ sân bay Biên Hòa, đã được sử dụng vào dự án. Bài báo còn cho rằng: “Một lãnh đạo sân bay Biên Hòa cho biết một khối lượng lớn đất, đá từ trong sân bay Biên Hòa được Toàn Thịnh Phát lấy và vận chuyển bằng cả đường bộ lẫn đường sông”.

Tại buổi làm việc, Thượng tá Trần Văn Dũng, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 935, khẳng định trong khuôn viên sân bay Biên Hòa không có hoạt động khai thác đất đá, mà chỉ có một dự án xây dựng hồ chứa nước do Công ty Đông Bắc thực hiện theo ủy quyền của Tổng công ty 319 (đơn vị được Quân chủng Phòng không không quân cho phép thực hiện dự án hồ chứa). Trong quá trình đào hồ, có dư một số lượng đất đá và Công ty Đông Bắc được phép tận thu, sử dụng theo quy định của Luật Khoáng sản.

Ông Hoàng Thế Hùng, đại diện Công ty Đông Bắc cho biết: “Công ty Đông Bắc đã thử nghiệm chất lượng đất, đá, nước trong khuôn viên lòng hồ và kết quả thử nghiệm cho thấy không bị nhiễm dioxin. Số lượng đất, đá này đã được công ty giao lại cho đối tác duy nhất là Công ty Hưng Thịnh Phát (trụ sở tại 239A KP.4, phường Phước Hưng, TP.Bà Rịa, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) để gia công và sử dụng”. Ông Hùng cũng khẳng định, Công ty Đông Bắc và Công ty Hưng Thịnh Phát hoàn toàn không cung cấp vật liệu cho dự án.

Phó tổng giám đốc Công ty Toàn Thịnh Phát Tạ Đình Chương đã cung cấp các hợp đồng chứng từ mua bán vật liệu dùng cho san lấp mặt bằng dự án với các đối tác, gồm: Doanh nghiệp tư nhân số 10, Hợp tác xã An Phát, Công ty Thùy Linh Nguyễn. Ông Tạ Đình Chương khẳng định: Công ty Toàn Thịnh Phát không mua đá hay bất kỳ vật liệu gì từ đơn vị khai thác đất, đá khu vực sân bay Biên Hòa. Các đối tác cung cấp đá cho dự án theo đúng mẫu công ty lựa chọn và trình duyệt, được khai thác tại các mỏ đá Thạnh Phú, Thiện Tân (huyện Vĩnh Cửu), mỏ đá Tân Cang 7
(TP.Biên Hòa), mỏ đá Tân Mỹ (tỉnh Bình Dương). Các mẫu đá cung cấp đã được đưa đi xét nghiệm tại Trung tâm kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 3 (Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng), có biên bản nghiệm thu và hoàn toàn đạt chuẩn, không nhiễm dioxin hay bất kỳ hóa chất độc hại nào.

Bà Nguyễn Thùy Linh, Giám đốc Công ty Thùy Linh Nguyễn, cho biết từ tháng 11-2014, công ty trúng thầu hợp đồng cung ứng vật liệu cho dự án của Công ty Toàn Thịnh Phát. Quá trình mua bán, vận chuyển các loại đá đến nơi san lấp đều có chứng từ thể hiện nguồn gốc lấy từ các mỏ đá: Tân Mỹ (tỉnh Bình Dương do Công ty Tân Tân Mỹ khai thác); mỏ đá Thạnh Phú 3, mỏ đá Bình Thạch (huyện Vĩnh Cửu) do Hợp tác xã Bình Thạch khai thác. Bà Linh khẳng định không mua đất đá khai thác từ khu vực sân bay Biên Hòa cung cấp cho dự án.

Trao đổi với Báo Đồng Nai, ông TĐình Chương, Phó tổng giám đốc Công ty Toàn Thịnh Phát, cho rằng: “Trong khi các cơ quan chức năng Trung ương và địa phương đã và đang tiến hành thẩm tra nhằm đi đến kết luận những vấn đề mà dư luận báo chí và xã hội quan tâm về dự án, bài báo của ấn phẩm Thời Nay đã đẩy vấn đề đi xa hơn với mức độ rất nghiêm trọng, đặt nghi vấn theo hướng quy buộc Công ty Toàn Thịnh Phát đã sử dụng đất, đá bị nhiễm dioxin khai thác từ khu vực sân bay Biên Hòa để san lấp sông Đồng Nai. Đây là sự suy diễn và quy chụp, hoàn toàn không đúng với sự thật và gây hậu quả rất nghiêm trọng đến uy tín, danh dự, các quyền và lợi ích hợp pháp của công ty, gây hoang mang cho người dân và ảnh hưởng xấu đến dư luận xã hội” - ông Chương nói.

Vi Lâm

 

Tin xem nhiều