Báo Đồng Nai điện tử
En

Xã hội hóa hoạt động sàng lọc, chẩn đoán trước sinh và sơ sinh

07:08, 22/08/2014

(ĐN)- Theo thông tin từ Sở Y tế, Kế hoạch về xã hội hóa sàng lọc, chẩn đoán trước sinh và sơ sinh vừa được UBND tỉnh phê duyệt ngày 4-8 dành cho hai đối tượng chính là phụ nữ mang thai và trẻ sơ sinh.

(ĐN)- Theo thông tin từ Sở Y tế, Kế hoạch về xã hội hóa sàng lọc, chẩn đoán trước sinh và sơ sinh vừa được UBND tỉnh phê duyệt ngày 4-8 dành cho hai đối tượng chính là phụ nữ mang thai và trẻ sơ sinh. Kế hoạch này nhằm giúp điều trị sớm hoặc chấm dứt thai kỳ đối với những thai nhi có bệnh lý di truyền hoặc dị tật bẩm sinh không khắc phục được.

Theo đó, các dịch vụ này sẽ được triển khai trên địa bàn toàn tỉnh. Trong đó, 3 cơ sở tuyến tỉnh có đủ khả năng đáp ứng về chuyên môn kỹ thuật, gồm: Trung tâm chăm sóc sức khỏe sinh sản, Bệnh viện đa khoa Đồng Nai và Bệnh viện đa khoa Thống Nhất; Tuyến huyện gồm khoa sản các bệnh viện: đa khoa khu vực Định Quán, Long Thành, Long Khánh và các bệnh viện có thực hiện dịch vụ sức khỏe sinh sản-kế hoạch hóa gia đình và các trung tâm y tế; Tuyến xã gồm các trạm y tế có bác sĩ, y sĩ sản nhi và nữ hộ sinh.

Chi phí các xét nghiệm sàng lọc đều được thu theo giá dịch vụ y tế do UBND tỉnh phê duyệt. Cụ thể, sàng lọc chẩn đoán trước sinh trong 3 tháng đầu và 3 tháng giữa thai kỳ là: 410 ngàn đồng/ca; sàng lọc chẩn đoán sơ sinh từ 160- 220 ngàn đồng/ca.

Mục tiêu của đề án là 100% trẻ sinh ra đều được thực hiện lấy máu gót chân để sàng lọc. Tất cả các mẫu máu sẽ được chuyển về Bệnh viện Từ Dũ (TP. Hồ Chí Minh) để xét nghiệm.

Từ năm 2007 đến nay, toàn tỉnh đã có hơn 34 ngàn trẻ được chẩn đoán, sàng lọc, phát hiện 307 trẻ bị thiếu men G6PD và 9 trẻ bị suy giáp trạng bẩm sinh. Với những dị tật bẩm sinh, nếu không có sự can thiệp kịp thời, trẻ sinh ra sẽ thành người tàn tật, tạo gánh nặng cho gia đình và xã hội.

Phương Liễu

Tin xem nhiều