(ĐN)- Sáng 6-6, kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIII tiếp tục chương trình làm việc với phiên thảo luận tại hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật dạy nghề.
(ĐN)- Sáng 6-6, kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIII tiếp tục chương trình làm việc với phiên thảo luận tại hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật dạy nghề.
Tại buổi thảo luận, các đại biểu thống nhất với phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng của dự án Luật. Trong đó có việc bổ sung chương trình nghề dưới 3 tháng và cho phép doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tham gia dạy nghề dưới 3 tháng...
Đại biểu Phạm Thị Hải (đoàn Đồng Nai) phát biểu ý kiến tại phiên thảo luận |
Tham gia đóng góp ý kiến tại phiên thảo luận, đại biểu Phạm Thị Hải (đoàn Đồng Nai) cho rằng, để nâng cao hiệu quả đào tạo, đảm bảo sự quản lý tập trung thống nhất trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp và với mục tiêu trước mắt là thống nhất về mặt pháp lý, tiến tới thống nhất quản lý hệ thống giáo dục nghề nghiệp, đảm bảo tính thống nhất và liên thông trong hệ thống giáo dục quốc dân, thì dự án luật cần lấy tên là Luật giáo dục nghề nghiệp.
Cũng theo đại biểu Phạm Thị Hải, thì doanh nghiệp là nơi tiếp nhận, thụ hưởng sản phẩm sau quá trình đào tạo của các cơ sở dạy nghề, do vậy doanh nghiệp phải có trách nhiệm trong việc tham gia vào công tác dạy nghề. Tuy nhiên, Luật dạy nghề hiện hành còn thiếu các chính sách nhằm khuyến khích doanh nghiệp hợp đồng đào tạo với cơ sở dạy nghề. Vì vậy, dự án luật lần này cần có những quy định cụ thể hơn, đậm nét hơn về các chính sách khuyến khích doanh nghiệp hợp đồng đào tạo với các cơ sở dạy nghề, thay vì chỉ quy định doanh nghiệp được hưởng các cơ chế chính sách để mở trường nghề như Điều 55 của dự án luật.
Trong khi đó, một số đại biểu cho rằng, điểm nghẽn trong việc phân luồng học sinh sau trung học cơ sở tham gia học nghề là tâm lý của xã hội. Các phụ huynh học sinh và chính các em học sinh không muốn học nghề mà nguyện vọng được học lên bậc cao hơn và ít quan tâm đến việc định hướng chọn nghề. Chương trình đào tạo ở các cơ sở dạy nghề còn khá nặng, các em vừa học chương trình nghề, vừa học chương trình văn hóa. Việc liên thông lên bậc đại học gặp nhiều khó khăn và hiệu quả đào tạo ở các trường nghề chưa đáp ứng nhu cầu của xã hội…
Do vậy, để tháo gỡ điểm nghẽn trên, các đại biểu đề nghị trong dự án luật cần có quy định việc thực hiện phân luồng hệ thống giáo dục đào tạo nhất thiết cần phải có chính sách đủ mạnh nhằm thu hút học sinh tham gia học nghề, đặc biệt là ở trình độ trung cấp nghề như: miễn giảm học phí, chính sách đảm bảo đầu ra sau khi học…
Đức Nhuận (Từ Hà Nội)