Báo Đồng Nai điện tử
En

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự Luật căn cước

06:04, 25/04/2014

Chiều 24/4, trong buổi làm việc cuối của Phiên họp thứ 27, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự thảo Luật căn cước công dân.

Chiều 24/4, trong buổi làm việc cuối của Phiên họp thứ 27, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự thảo Luật căn cước công dân.

Dự thảo Luật hướng tới việc tổng hợp một Thẻ căn cước công dân theo công nghệ tiên tiến vừa bảo đảm bền, đẹp, chống làm giả, vừa có khả năng tích hợp nhiều thông tin cần thiết để góp phần đơn giản hóa giấy tờ cho công dân, từng bước thực hiện Chính phủ điện tử.

Thượng tướng Bùi Văn Nam, Thứ trưởng Bộ Công an phát biểu tại phiên họp. (Ảnh: TTXVN)
Thượng tướng Bùi Văn Nam, Thứ trưởng Bộ Công an phát biểu tại phiên họp. (Ảnh: TTXVN)

Tiếp thu ý kiến các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong Phiên họp 26, dự thảo lần này đã được cơ quan soạn thảo thể hiện rõ những điểm nhằm cụ thể hóa quy định của Hiến pháp năm 2013 về quyền con người, quyền công dân liên quan đến căn cước công dân.

Đánh giá về hồ sơ dự thảo Luật căn cước công dân, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị làm rõ mối liên hệ giữa cơ sở dữ liệu căn cước công dân với các cơ sở dữ liệu khác như cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu về hộ tịch, cơ sở dữ liệu về cư trú..., đặc biệt là Đề án tổng thể đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu liên quan đến quản lý dân cư giai đoạn 2013-2020 của Chính phủ.

Một số ý kiến đề nghị cần xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là cơ sở dữ liệu chung; thông tin căn cước công dân được lấy từ cơ sở dữ liệu này để bảo đảm tính chính xác, tính thống nhất về thông tin, đồng thời bảo đảm đầu tư hiệu quả, tiết kiệm và tránh gây phiền hà cho công dân.

Theo dự thảo, số định danh cá nhân do Bộ Công an quản lý thống nhất trên toàn quốc, được cấp cho mỗi công dân Việt Nam và không lặp lại ở người khác, dùng để xác định dữ liệu cụ thể của một người. Đây sẽ được coi là giấy tờ tùy thân duy nhất có giá trị chứng nhận căn cước của người dân để sử dụng trong giao dịch, đi lại trên lãnh thổ Việt Nam.

Một bước tiến quan trọng so với quy định của pháp luật hiện hành là dự thảo Luật quy định cấp Thẻ căn cước công dân cho công dân dưới 15 tuổi, ngay từ khi làm thủ tục khai sinh để bảo đảm quyền công dân theo Hiến pháp năm 2013. Đồng thời, Luật không quy định hạn chế người được cấp Thẻ căn cước công dân, kể cả người đang bị tạm giữ, tạm giam.

Về thủ tục cấp lại Thẻ Căn cước công dân, người đến làm thủ tục chỉ cần có đơn mà không cần xác nhận của Công an xã, phường, thị trấn vì các thông tin về công dân đã được lưu trữ trong cơ sở dữ liệu căn cước công dân.

Theo cơ quan thẩm tra dự thảo Luật căn cước công dân, Ủy ban Quốc phòng An ninh của Quốc hội đề nghị làm rõ việc cấp Thẻ căn cước công dân theo quy định trong dự thảo Luật sẽ giảm được bao nhiêu loại giấy tờ công dân, thay thế được những loại giấy tờ nào, vào thời điểm nào; tác động của việc cấp Thẻ căn cước công dân thay cho Chứng minh nhân dân; tác động của việc cấp Thẻ căn cước công dân ngay từ khi công dân sinh ra; việc mở rộng phạm vi điều chỉnh đối với người không quốc tịch sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam...

Để bảo đảm giá trị sử dụng của các Chứng minh nhân dân được cấp trước ngày Luật này có hiệu lực, tránh gây xáo trộn cho công dân trong các giao dịch, dự thảo Luật quy định: đối với Chứng minh Nhân dân đã được cấp trước ngày Luật này có hiệu lực vẫn có giá trị sử dụng đến hết thời hạn theo quy định; trường hợp cần đổi sang Thẻ căn cước công dân theo mẫu quy định tại Luật này thì thực hiện theo Luật này. Từ ngày 1/1/2020, phải thực hiện thống nhất theo quy định của Luật này.

Tại buổi làm việc, nhiều ý kiến đề nghị dự thảo quy định chi tiết hơn nữa những nguyên tắc quản lý căn cước công dân; bảo đảm tôn trọng bí mật đời tư, quyền sử dụng giấy tờ về căn cước công dân trong giao dịch, thực hiện quyền, lợi ích hợp pháp của công dân./.

(TTXVN/VIETNAM+)

 

Tin xem nhiều