(ĐN)- Các địa phương phát động, tổ chức và hỗ trợ việc thực hiện "Tháng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng khẩn cấp để phòng, chống dịch cúm gia cầm" trên phạm vi cả nước từ ngày 22-2 đến 21-3-2014.
(ĐN)- Các địa phương phát động, tổ chức và hỗ trợ việc thực hiện “Tháng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng khẩn cấp để phòng, chống dịch cúm gia cầm” trên phạm vi cả nước từ ngày 22-2 đến 21-3-2014. Đó là ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải tại Thông báo số 72/TB-VPCP về công tác phòng, chống dịch cúm gia cầm.
Theo chỉ đạo của Phó thủ tướng, các bộ, ngành, địa phương xử lý nghiêm các trường hợp cố tình giấu dịch, vứt, xả gia cầm bị dịch ra môi trường, không tiêu hủy gia cầm theo quy định.
Các bộ: Công thương, Nông nghiệp - phát triển nông thôn, Quốc phòng, Công an, Tài chính và các tỉnh biên giới chỉ đạo các cơ quan chức năng của bộ, phối hợp chặt chẽ các lực lượng của Trung ương, địa phương bố trí các chốt và nhân dân vùng biên giới để phát hiện, ngăn chặn việc vận chuyển, buôn bán gia cầm, sản phẩm gia cầm chưa được xử lý chín bằng nhiệt qua biên giới vào Việt Nam; xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các trường hợp vi phạm.
Phó thủ tướng giao Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp - phát triển nông thôn, các địa phương chỉ đạo rà soát việc buôn bán gia cầm sống tại các chợ, bảo đảm tách riêng nơi bán gia cầm sống với các hàng hóa khác, được kiểm soát chặt chẽ về thú y; các địa phương thường xuyên thực hiện việc tiêu độc, khử trùng các chợ theo quy định; khuyến khích việc đưa gia cầm vào giết mổ tập trung, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm.
Phó thủ tướng giao Bộ Nông nghiệp - phát triển nông thôn xem xét cân đối để hỗ trợ vaccine theo thẩm quyền; đối với hóa chất sát trùng, Bộ cần xem xét tình hình dịch bệnh cụ thể và nguồn lực của các địa phương, khả năng cân đối của Trung ương để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét hỗ trợ cho phù hợp.
* Theo Cục Thú y, Thanh Hóa là địa phương mới công bố dịch cúm gia cầm, nâng tổng số 17 tỉnh trong cả nước công bố dịch cúm gia cầm, bao gồm: Đắk Lắk, Long An, Kon Tum, Tây Ninh, Cà Mau, Khánh Hòa, Quảng Ngãi, Nam Định, Phú Yên, Lào Cai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Cần Thơ, Vĩnh Long và Thanh Hóa. Tổng số gia cầm mắc bệnh, chết là 61.196 con; số gia cầm tiêu hủy là 84.653 con.
Ngoài ra, một số địa phương khác có xuất hiện các điểm dịch trên đàn gia cầm dưới dạng nhỏ lẻ (một vài hộ chăn nuôi) nhưng đã được phát hiện và xử lý kịp thời, không để dịch lây lan.
P.V