Chiều 4-11, tại Kỳ họp thứ 6, các đại biểu Quốc hội thảo luận ở tổ về sửa đổi, bổ sung Nghị quyết về chủ trương đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh...
Chiều 4-11, Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII đã thảo luận ở tổ về việc sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 38/2004/QH11 ngày 3-12-2004 của Quốc hội về chủ trương đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh...
Một đoạn trên tuyến đường Hồ Chí Minh |
* Điều chỉnh cho phù hợp với thực tế
Đa số đại biểu cho rằng, chủ trương đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh là hoàn toàn đúng đắn, góp phần đảm bảo sự phát triển bền vững về kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh ở những vùng có tuyến đường đi qua.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến còn băn khoăn về việc phân kỳ đầu tư, phê duyệt quy hoạch và tổng mức đầu tư, các dịch vụ hậu cần trên toàn tuyến...Các đại biểu đề nghị, cần phải điều chỉnh Nghị quyết cho phù hợp với thực tế.
Cũng theo đại biểu, giai đoạn 1 của Dự án đã được hoàn thành và đưa vào vận hành, Bộ Giao thông – Vận tải đã phân luồng xe chở khách chạy theo tuyến này để giảm tải cho Quốc lộ 1, vì vậy đoạn nào đã đầu tư hoàn chỉnh nên có hợp phần bổ sung để đảm bảo sự an toàn, để các đoạn này phát huy hiệu quả ngay. Đối với việc tiếp tục triển khai giai đoạn 2, đại biểu kiến nghị làm theo phương án cuốn chiếu, giai đoạn nào dứt điểm giai đoạn đó.
Trong khi đó, có một số đại biểu thì cho rằng, so với Nghị quyết 38, dự thảo Nghị quyết mới ít có sự thay đổi vì vậy không cần thiết phải sửa đổi Nghị quyết 38, mà chỉ cần có Nghị quyết về điều chỉnh tiến độ và một số giải pháp nhằm tiếp tục thực hiện có hiệu quả chủ trương đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh phù hợp với tình hình thực tế.
* Cân nhắc quy định thẩm quyền truy đuổi của lực lượng hải quan
Cũng trong buổi chiều, các đại biểu đã dành nhiều thời gian thảo luận về dự án Luật hải quan sửa đổi. Nhiều ý kiến cho rằng việc sửa đổi Luật cần bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực hải quan, phục vụ yêu cầu đấu tranh phòng, chống các hành vi gian lận thương mại, trốn thuế, làm thất thu ngân sách nhà nước và tham ô, tham nhũng trong quá trình hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa.
Nhận thấy việc bổ sung quy định về quản lý rủi ro trong hoạt động hải quan là cần thiết, đáp ứng yêu cầu nội luật hóa các quy định trong Công ước KYOTO của Tổ chức Hải quan Thế giới và yêu cầu hiện đại hóa công tác quản lý trong lĩnh vực hải quan, song các đại biểu cho rằng, quy định tại Điều 17 dự thảo Luật chưa làm rõ nội hàm và các nguyên tắc cơ bản của việc áp dụng quản lý rủi ro trong hoạt động hải quan để bảo đảm tính khả thi trong các quy định của Luật.
Một số đại biểu cũng đề nghị xem lại quy định cho phép lực lượng hải quan tiếp tục truy đuổi để áp dụng các biện pháp ngăn chặn đối với hàng hoá, phương tiện vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới đang di chuyển từ địa bàn hoạt động hải quan ra khu vực khác, được bổ sung trong dự thảo Luật. Tuy nhiên cũng có đại biểu đề nghị cần làm rõ, việc truy đuổi của lực lượng hải quan được tiến hành đến đâu, phối hợp với các lực lượng khác như thế nào, bởi trong việc này, cảnh sát giao thông, cảnh sát điều tra là hai chủ thể rất quan trọng. Thậm chí, có đại biểu đề nghị xem xét lại quy định này vì sẽ trùng với thẩm quyền của các ngành khác như bộ đội biên phòng....
Thứ ba, ngày 05-11, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường để thảo luận về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và dự thảo Nghị quyết về việc thi hành Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi năm 2013). Phiên họp sẽ được phát thanh, truyền hình trực tiếp.
P.V (Tổng hợp)