Báo Đồng Nai điện tử
En

Giữ lại nhiều nội dung quan trọng trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp

02:11, 05/11/2013

Tiếp tục chương trình làm việc tại Kỳ họp thứ 6, sáng nay 5-11, Quốc hội đã tiến hành thảo luận tại hội trường về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.

Tiếp tục chương trình làm việc tại Kỳ họp thứ 6, sáng nay 5-11, Quốc hội đã tiến hành thảo luận tại hội trường về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.

Trình bày báo cáo tổng hợp ý kiến thảo luận tại tổ và giải trình về những vấn đề còn có ý kiến khác nhau trong quá trình thảo luận tại tổ, Trưởng ban biên tập Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 Phan Trung Lý, cho hay tất cả các ý kiến góp ý đều đã được Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp nghiên cứu kỹ lưỡng, cẩn trọng và nghiêm túc.  

Trưởng ban biên tập Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 Phan Trung Lý trình bày báo cáo tổng hợp ý kiến
Trưởng ban biên tập Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 Phan Trung Lý trình bày báo cáo tổng hợp ý kiến

* Kinh tế Nhà nước giữ vai trò chủ đạo

Theo ông Phan Trung Lý, về các thành phần kinh tế (khoản 1 Điều 51), đa số ý kiến tán thành với quy định như trong Dự thảo, nhưng đề nghị phân biệt rõ giữa “kinh tế nhà nước” và “doanh nghiệp nhà nước”. Ý kiến khác băn khoăn về quy định “kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo”, vì mâu thuẫn với quy định tại khoản 2 “các thành phần kinh tế bình đẳng”. Có ý kiến đề nghị bổ sung vào Dự thảo Hiến pháp quy định về các thành phần kinh tế cụ thể.

Bên cạnh những nội dung đã được thể hiện trong Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp trình Quốc hội tại phiên họp trước, Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp nhận thấy, việc khẳng định vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước nhằm thể hiện bản chất chế độ kinh tế của Nhà nước ta, thể hiển rõ định hướng xã hội chủ nghĩa và vai trò của kinh tế nhà nước trong nền kinh tế thị trường ở nước ta. Hơn nữa, “kinh tế nhà nước” là một khái niệm rộng, chứ không đồng nhất kinh tế nhà nước với doanh nghiệp nhà nước.

“Việc quy định “kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo” không mâu thuẫn với nguyên tắc bình đẳng và cạnh tranh giữa các thành phần kinh tế” – ông Phan Trung Lý nhấn mạnh. 

* Giữ quy định về tổ chức chính quyền địa phương

Đề cập đến vấn đề đang còn gây nhiều tranh cãi về tổ chức chính quyền địa phương (Điều 111 và Điều 114), ônng Phan Trung Lý cho biết, qua tổng hợp, có ý kiến đề nghị xác định chính quyền địa phương phải gắn với các đơn vị hành chính và ở đâu có UBND thì ở đó có HĐND, tương ứng với đó, đề nghị bỏ quy định HĐND cấp trên trực tiếp phê chuẩn UBND cấp dưới tại Điều 114.

 Toàn cảnh Phiên họp
Toàn cảnh Phiên họp

“Trong điều kiện chúng ta chưa tổng kết đầy đủ, toàn diện Nghị quyết 26 của Quốc hội về thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường, cũng như thực hiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị, thì Hiến pháp quy định khái quát về mô hình tổ chức chính quyền địa phương để tạo cơ sở hiến định cho việc đổi mới, đa dạng hóa trong việc tổ chức chính quyền địa phương ở các đơn vị hành chính là phương án hợp lý. Vì vậy, Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp đề nghị Quốc hội cho giữ quy định về tổ chức chính quyền địa phương như thể hiện tại Điều 111 và Điều 114 của Dự thảo” - ông Phan Trung Lý nói.

Quan điểm của Ủy ban dự thảo nêu rõ: “Trên cơ sở nghiên cứu ý kiến của nhân dân, ý kiến của đại biểu Quốc hội và các cơ quan, tổ chức hữu quan, Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp nhận thấy, việc thành lập Hội đồng Hiến pháp là vấn đề mới, lại đang còn có nhiều ý kiến khác nhau, nên trong điều kiện hiện nay ở nước ta, cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế bảo vệ Hiến pháp hiện hành, trong đó, tăng cường trách nhiệm của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, nhất là Ủy ban pháp luật của Quốc hội và các cơ quan khác của Nhà nước trong việc bảo vệ Hiến pháp là phù hợp. Vì vậy, Ủy ban Dự thảo hiến pháp đề nghị Quốc hội không bổ sung quy định Hội đồng Hiến pháp vào Dự thảo”.

Về phân cấp, phân quyền giữa trung ương và địa phương (Điều 112), có ý kiến đề nghị cần phân cấp mạnh cho địa phương để tăng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho địa phương. Ý kiến khác băn khoăn về phân cấp, phân quyền cho địa phương vì sẽ dẫn đến nhiều địa phương muốn tự quản, không chịu sự quản lý của Trung ương.

Tuy nhiên, Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp đề nghị Quốc hội cho giữ quy định như Dự thảo để vừa bảo đảm quyền quản lý thống nhất của Trung ương, vừa bảo đảm quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của địa phương. 

*Đất đai thuộc quyền sở hữu toàn dân

Điều 53, Dự thảo Hiến pháp quy định “Đất đai, tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản, nguồn lợi ở vùng biển, thềm lục địa, vùng trời, tài nguyên thiên nhiên khác và các tài sản do Nhà nước đầu tư, quản lý là tài sản công thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý”. Kết quả thảo luận cho thấy, nhiều ý kiến nhất trí quy định về hình thức sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý.

[links(right)]Về thu hồi đất, còn nhiều băn khoăn. Khoản 3, điều 54 quy định “Nhà nước thu hồi đất do tổ chức, cá nhân đang sử dụng trong trường hợp thật cần thiết do luật định vì mục đích quốc phòng, an ninh; vì lợi ích quốc gia, công cộng, phát triển kinh tế - xã hội. Việc thu hồi đất phải công khai, minh bạch và được bồi thường theo quy định của pháp luật”. Một số ý kiến cho rằng, việc quy định cụ thể đối với các trường hợp thu hồi đất cần được quy định chi tiết trong luật. Có đại biểu cho rằng, vấn đề thu hồi đất cho phát triển kinh tế - xã hội còn nhiều ý kiến khác nhau và không có tính ổn định nên cân nhắc không quy định trong dự thảo Hiến pháp. Có ý kiến khác đề nghị bỏ quy định thu hồi đất vì lý do “phát triển kinh tế - xã hội”.

Liên quan việc thu hồi đất, đại biểu Nguyễn Viết Nhiên (Hải Phòng) cho rằng, dự thảo hiến định thu hồi đất vì lý do quốc phòng, an ninh, các lợi ích công cộng, dự án phát triển kinh tế, xã hội. Tuy nhiên: “Tôi băn khoăn việc thu hồi đất cho các dự án kinh tế, xã hội bởi phải làm sao đảm bảo quyền lợi người dân khi thu hồi đất, tránh các khiếu kiện phức tạp kéo dài”. Về HĐND, chính quyền địa phương, ông cho rằng, quy định như dự thảo là hợp lý, tạo điều kiện thành lập chính quyền đô thị. Về hội đồng bầu cử quốc gia, đại biểu Nhiên băn khoăn vì hội đồng này hoạt động không thường xuyên chỉ 5 năm một lần. “Lâu nay việc bầu cử đều đảm bảo trên cơ sở phân công trách nhiệm cho các bộ phận chức năng, do đó không cần phải quy định hội đồng bầu cử quốc gia, tránh phình thêm bộ máy” - ông Nhiên nói.

N.Phượng

 

Tin xem nhiều