Thông tin từ Tổng công ty Điện lực miền Nam cho biết, từ ngày 15 đến 30-9-2011, do phải tiến hành sửa chữa, bảo dưỡng đường ống dẫn khí từ ngoài khơi biển Vũng Tàu vào đất liền nên sẽ tạm ngưng cung cấp khí Nam Côn Sơn cho các nhà máy điện. Chính vì vậy, nguồn điện cung cấp cho khu vực miền Nam trong thời điểm này chắc chắn sẽ thiếu hụt…
Thông tin từ Tổng công ty Điện lực miền Nam cho biết, từ ngày 15 đến 30-9-2011, do phải tiến hành sửa chữa, bảo dưỡng đường ống dẫn khí từ ngoài khơi biển Vũng Tàu vào đất liền nên sẽ tạm ngưng cung cấp khí Nam Côn Sơn cho các nhà máy điện. Chính vì vậy, nguồn điện cung cấp cho khu vực miền Nam trong thời điểm này chắc chắn sẽ thiếu hụt…
Theo đó, các nhà máy nhiệt điện sử dụng khí từ nguồn Nam Côn Sơn như: Bà Rịa – Vũng Tàu, Phú Mỹ, Nhơn Trạch sẽ buộc phải chuyển sang chạy dầu. Việc ngưng cung cấp khí từ Nam Côn Sơn sẽ ảnh hưởng khá lớn tới nguồn cung cấp điện của hệ thống điện lưới quốc gia, do các cụm nhà máy điện này chiếm 20% công suất toàn hệ thống. Theo kế hoạch, sẽ có khoảng 5.300MW công suất các tổ máy nhiệt điện thuộc các nhà máy điện nêu trên không được cung cấp khí liên tục trong hai tuần cuối tháng 9. Trong khi đó, dự báo mùa mưa sắp kết thúc nên phụ tải tiếp tục tăng mạnh, do đó các nguồn phát nhiệt điện dễ gặp sự cố vì luôn phải vận hành ở mức cao, nên khả năng thiếu điện là không thể tránh khỏi.
Để đảm bảo cung cấp điện cho hệ thống điện miền Nam trong thời gian ngừng, giảm cung cấp khí trong thời gian sắp tới, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã có văn bản chỉ đạo các đơn vị điện lực địa phương thực hiện các giải pháp: Tăng cường truyền tải điện vào Nam qua đường dây 500kV để tập trung tích nước các hồ thủy điện miền Nam (Trị An, Hàm Thuận, Đa Nhim, Đại Ninh, Thác Mơ), đưa mực nước các hồ lên mức cao nhất có thể để huy động tối đa các nhà máy thủy điện miền Nam trong thời gian ngừng cung cấp khí. Bên cạnh đó, tập trung khai thác tối đa các nguồn nhiệt điện than, dầu, trong đó đảm bảo vận hành ổn định các nguồn nhiệt điện than mới. Ngoài ra, các công ty điện lực trong hệ thống điện miền Nam phối hợp chặt chẽ với các đơn vị điều độ, để đảm bảo cung cấp điện ổn định, đồng thời tuân thủ các quy định về ngừng giảm cung cấp điện trong trường hợp hệ thống điện miền Nam xảy ra sự cố.
Ở Đồng Nai, Công ty TNHH một thành viên Điện lực Đồng Nai cũng đã thông báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng đối với tình hình khó khăn của ngành điện khi khí Nam Côn Sơn ngừng cung cấp cho các nhà máy điện khu vực miền Nam. Trước tình hình này, không còn cách nào khác là phải đẩy mạnh tiết kiệm điện hợp lý trong tháng 9; hạn chế tới mức thấp nhất việc sử dụng điện, nhất là trong giờ cao điểm; hãy tắt tất cả các thiết bị điện khi không sử dụng. Lãnh đạo Công ty Điện lực Đồng Nai nhấn mạnh.
Được biết, tháng 8-2011, sản lượng điện toàn hệ thống trên cả nước đạt 9,861 tỷ kWh. Sản lượng trung bình ngày 318,1 tr.kWh, tăng 10,41% so cùng kỳ năm 2010. Trong đó điện thương phẩm tháng 8-2011 ước đạt 8,478 tỷ kWh, tăng 8,35% so với cùng kỳ năm trước; lũy kế 8 tháng đầu năm điện thương phẩm ước đạt 61,723 tỷ kWh, tăng 11,14% so với cùng kỳ năm 2010; ước giá trị khối lượng thực hiện đạt 37.811 tỷ đồng, bằng 54,1% kế hoạch năm 2011, giá trị giải ngân đạt 31.094 tỷ đồng, bằng 44,5% kế hoạch. Riêng trong tháng 9 này, dự kiến phụ tải của hệ thống điện có thể đạt tới 314 triệu kWh/ngày, công suất lớn nhất dao động từ 16.000-16.300 MW. Mục tiêu vận hành hệ thống điện trong tháng 9: Các nhà máy thủy điện khai thác đảm bảo kế hoạch tích nước cuối năm. Huy động tối đa thuỷ điện và huy động các nguồn chạy dầu trong thời gian cắt khí Nam Côn Sơn. |
Đỗ Duy