(ĐN)- Ngày 22-7, tại trụ sở khối Nhà nước, UBND tỉnh phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tổ chức họp báo 6 tháng đầu năm 2011.
(ĐN)- Ngày 22-7, tại trụ sở khối Nhà nước, UBND tỉnh phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tổ chức họp báo 6 tháng đầu năm 2011. Các đồng chí: Huỳnh Văn Tới, Ủy viên Ban TVTU, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; Nguyễn Thành Trí, Phó chủ tịch UBND tỉnh và Huỳnh Thị Nga, Phó chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì cuộc họp.
Toàn cảnh buổi họp báo. |
Tại cuộc họp báo, hơn 20 câu hỏi đã được đặt ra cho lãnh đạo tỉnh và các sở, ngành chuyên môn. Trong đó, “nóng” nhất là hai vấn đề đang được dư luận hết sức quan tâm, đó là giải pháp của Đồng Nai trước thông tin đoàn xe chở bauxite siêu trọng sẽ thường xuyên chạy qua các tuyến đường QL20, tỉnh lộ 769 và dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A có thể phương hại đến 137 hécta rừng nguyên sinh.
Trả lời câu hỏi về xe siêu trọng sẽ chở bauxite qua nhiều tuyến đường quan trọng của tỉnh, Phó giám đốc Sở Giao thông - vận tải Nguyễn Văn Vý cho biết, từ nhiều năm trước, tỉnh đã kiến nghị Bộ Giao thông - vận tải (GT-VT) xin nâng cấp QL 20 và Bộ GT-VT đã kiến nghị Chính phủ phê duyệt. Dự án này, dự định khởi công vào đầu năm 2011 nhưng không thành do thiếu vốn. Mới đây, tỉnh tiếp tục kiến nghị và Bộ GT-VT đã ra quyết định lập dự án cải tạo, nâng cấp các tuyến đường bộ phục vụ khai thác bauxite, trong đó có đường 769 và QL20 do Tổng cục Đường bộ làm chủ đầu tư. Trước mắt, tỉnh sẽ đề nghị Tập đoàn than và khoáng sản Việt Nam (TKV) xây dựng thời biểu vận chuyển bauxite để tránh các giờ cao điểm, đồng thời chấp hành nghiêm các quy định về tải trọng; phối hợp chặt chẽ với địa phương khi xảy ra các sự cố; vận chuyển bauxite theo đúng các quy định của pháp luật. Được biết, ngày 27-7 tới, UBND tỉnh sẽ có buổi làm việc cụ thể với TKV về vấn đề này.
Riêng về dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A gây hại đến rừng nguyên sinh, ông Trần Văn Mùi, Giám đốc Khu Bảo tồn thiên nhiên văn hóa Đồng Nai bày tỏ quan ngại về những tác động khó lường của các công trình thủy điện đã và đang triển khai xây dựng trên vùng thượng nguồn sông Đồng Nai. Bởi, cùng với 20 nhà máy thủy điện bậc thang khác, 2 dự án trên có thể gây hàng loạt xáo trộn lớn đến môi trường và đe dọa đến sự sống của người dân ở vùng hạ lưu.
Một số vấn đề khác cũng được các nhà báo quan tâm đặt câu hỏi tại buổi họp báo, như: tác động đến môi trường của dự án nghĩa trang An viên Vĩnh Hằng; tình trạng nhiễm mặn sông Đồng Nai; ô nhiễm môi trường do bụi đá ở TP. Biên Hòa, vấn đề hỗ trợ DN… Nhiều nội dung trong số này đã được lãnh đạo tỉnh và các sở, ngành chuyên môn giải đáp khá đầy đủ.
Phát biểu tại cuộc họp báo, đồng chí Huỳnh Văn Tới cho rằng, các vấn đề mà nhà báo quan tâm đều là những vấn đề cần có sự phản biện và đóng góp của báo chí. Đồng chí cũng bày tỏ mong muốn, báo chí tiếp tục đồng hành với tỉnh trong việc thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2011 trên cơ sở tuyên truyền đúng luật, chân tình, trung thực.