Chiều ngày 27-11, Quốc hội đã kết thúc phiên chất vấn các thành viên Chính phủ với việc tham dự phiên trực tiếp chất vấn Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng. Nhiều vấn đề bức xúc được cử tri trong cả nước nêu ra đã được các vị đại biểu Quốc hội lần lượt nêu ra để Thủ tướng trả lời.
Đại biểu Quốc hội thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Hằng Nga chất vấn Thủ tướng Chính phủ. (Ảnh : Trí Dũng - TTXVN) |
Chiều ngày 27-11, Quốc hội đã kết thúc phiên chất vấn các thành viên Chính phủ với việc tham dự phiên trực tiếp chất vấn Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng. Nhiều vấn đề bức xúc được cử tri trong cả nước nêu ra đã được các vị đại biểu Quốc hội lần lượt nêu ra để Thủ tướng trả lời.
* Ai tham nhũng, rút ruột công trình sẽ bị xử lý nghiêm minh
Trong phần chất vấn trực tiếp tại Hội trường, đại biểu Đỗ Trọng Ngoạn (đoàn Bắc Giang) đề cập đến việc giải quyết tình trạng của hàng trăm dự án treo, gây thất thoát lớn cho Nhà nước. Trả lời câu hỏi này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thẳng thắn cho rằng, trong thời gian vừa qua, bên cạnh những yếu kém, mặt được thể hiện rất rõ. Là người đứng đầu Chính phủ, Thủ tướng có trách nhiệm cao nhất về vấn đề này. Tuy nhiên, quy hoạch có tính lịch sử, tư duy quy hoạch từ thời bao cấp, khi chuyển sang cơ chế thị trường thì phải đổi mới tư duy này, Trong quá trình đổi mới, có việc làm tốt, có việc làm chưa tốt. Đó là quy hoạch không sát, không khả thi, không có điều kiện thực hiện, quy hoạch treo... Thủ tướng Chính phủ đã thấy rõ việc này và nghiêm khắc kiểm điểm. Ai làm sai thì đều bị xử lý, sai đến đâu xử lý đến đó, đúng theo tính chất mức độ vi phạm của từng vụ việc. Đề cập đến vấn đề quản lý vốn ODA, Thủ tướng nhấn mạnh, đây là tình trạng tham nhũng trong đầu tư xây dựng cơ bản đã được nói nhiều. Để giải quyết tình trạng này, Chính phủ với trách nhiệm là quản lý Nhà nước đã làm hết sức cố gắng. Trong quá trình kiểm tra phát hiện, ai tham nhũng, rút ruột công trình đều bị xử lý nghiêm minh theo đúng pháp luật của Nhà nước. Nếu không hoàn trả được phần tham nhũng, người đó phải chịu trách nhiệm hình sự.
* Không bao cấp giá điện tràn lan, phải tính theo cơ chế thị trường
Cũng trả lời câu hỏi của đại biểu Đỗ Trọng Ngoạn về vấn đề tăng giá điện, Thủ tướng cho rằng, nền kinh tế phải được vận hành trong cơ chế thị trường xã hội chủ nghĩa. Về giá điện cũng vậy. Đây là vấn đề đã được bàn nhiều và cần phải đưa giá điện vào tính đúng, tính đủ theo nguyên tắc của nền kinh tế thị trường. Hiện nay, ngành điện phải mua khoảng 15% điện năng ở ngoài công ty. Sau khi bán ra bị lỗ hơn 3.000 tỷ đồng/năm. Nếu theo đà này, năm tới sẽ lỗ hơn 4.000 tỷ đồng. Mặc dù ngành điện cũng đã có nhiều cố gắng trong việc giảm tổn thất điện và tiết kiệm chi phí quản lý nhưng vẫn không thể bù đắp được. Mặt khác, nếu bao cấp giá điện cho cả toàn ngành kinh tế thì không thể hạch toán được và không đúng với cơ chế kinh tế thị trường. Từ đó, phải có phương án điều chỉnh giá điện. Vì giá điện ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của toàn xã hội nên việc này đã lấy ý kiến các cơ quan, đơn vị các cấp để chọn phương án thích hợp. Thủ tướng nhấn mạnh, tới đây giá điện sẽ không bao cấp tràn lan, không bao cấp cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, phải tính đúng tính đủ. Tuy nhiên, vẫn trợ cấp hợp lý cho hộ nghèo và khu vực nông thôn. Việc tính toán tăng giá điện phải hợp lý, vừa đáp ứng cho nền kinh tế thị trường, vừa có những chính sách xã hội phù hợp.
* Tăng trưởng kinh tế cần quan tâm đến đào tạo nghề và đổi mới công nghệ
Đại biểu Phạm Quang Dự đoàn (Bà Rịa - Vũng Tàu) chất vấn Thủ tướng về chính sách khai thác dầu thô trong thời gian tới như thế nào để hợp lý vì việc này có ảnh hưởng nhất định đến nền kinh tế. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết, đây là chiến lược công phu, gắn liền với chiến lược phát triển đất nước. Hàng năm, Chính phủ có điều chỉnh, bổ sung cần thiết theo tinh thần hiệu quả, bền vững. Chiến lược phát triển dầu khí đã được Chính phủ thông qua đến 2020. Trả lời câu hỏi của đại biểu Phạm Quang Dự cũng chất vấn Thủ tướng về vấn đề tăng trưởng kinh tế và nhấn mạnh tới những điểm nổi bật, đặc biệt hơn so với năm trước, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng, việc nâng cao chất lượng tăng trưởng phụ thuộc vào nhiều yếu tố, như: vốn, lao động, tài nguyên... Để cải thiện nhanh chất lượng cần giải pháp đồng bộ, cần coi trọng đẩy mạnh năng suất lao động với hai yếu tố là đào tạo nghề và đổi mới công nghệ.
Đại biểu Nguyễn Lân Dũng (đoàn Đắc Nông) đề cập tới vấn đề cuộc sống của nông dân hiện nay. Đại biểu đề nghị Thủ tướng tạo điều kiện cho nông dân gia nhập vào lĩnh vực dịch vụ và công nghiệp. Trả lời câu hỏi này, Thủ tướng cho rằng việc áp dụng khoa học công nghệ vào nông nghiệp trong thời gian qua đã mang lại hiệu quả rất lớn. Ví dụ như việc áp dụng công nghệ sinh học đã tác động rất lớn vào việc tăng năng suất nông nghiệp. Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện không phải lúc nào cũng tốt. Thủ tướng yêu cầu các đại biểu Quốc hội nên tăng cường giám sát việc thực hiện hơn nữa.
* Phân cấp mạnh, giảm tối đa các thủ tục phiền hà trong giải quyết thủ tục hành chính
Về vấn đề cải cách hành chính, đại biểu Trần Luân Kim (đoàn Phú Yên) đề nghị Thủ tướng cho biết biện pháp xử lý, lộ trình thực hiện để tránh việc chồng chéo trách nhiệm hiện nay. Theo Thủ tướng, Chính phủ đã và đang chỉ đạo việc tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách, gắn liền với thủ tục hành chính thông qua việc thúc đẩy nhanh chương trình xây dựng pháp luật đã được Quốc hội thông qua, đặc biệt là việc đẩy nhanh việc nâng cao chất lượng và ban hành các Nghị định hướng dẫn thi hành các luật đã ban hành. Đồng thời, Chính phủ đang tiến hành rà soát, bổ sung các quy định pháp luật thuộc thẩm quyền của Chính phủ cho phù hợp với yêu cầu mới. Đặc biệt là việc phân cấp mạnh, giảm tối đa các thủ tục phiền hà, thực hiện công khai minh bạch trong việc quản lý đất đai, ngân sách, quản lý tài sản công... Chính phủ cũng đang chỉ đạo các cấp các ngành, các cơ quan hành chính niêm yết công khai toàn bộ điều kiện, quy trình, thủ tục, thời gian giải quyết yêu cầu của dân, của doanh nghiệp thep chức trách nhiệm vụ của mình. Thủ tướng cũng đã yêu cầu các ngành thường xuyên việc kiểm tra công vụ, để phát hiện những cán bộ gây phiền hà cho dân, cho doanh nghiệp.
Đại biểu Nguyễn Thị Hằng Nga (đoàn TP. Hồ Chí Minh) đề nghị Thủ tướng nói rõ về vấn đề nhà công vụ. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết, sẽ rà soát lại việc quản lý nhà công vụ hiện nay. Ai làm sai việc cho thuê, bán nhà theo Nghị định 61 sẽ xử lý tùy theo mức độ vi phạm. Nghị định của Chính phủ quy định, chỉ Thủ tướng Chính phủ mới có quyền quyết định việc chuyển nhà công sở sang nhà ở.
P.V (theo VOV)