Báo Đồng Nai điện tử
En

Quốc hội phê chuẩn Nghị định thư về việc gia nhập WTO

07:11, 29/11/2006

Với đa số phiếu tán thành, trong phiên họp được truyền hình trực tiếp chiều 28-11, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết phê chuẩn Nghị định thư gia nhập Hiệp định thành lập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) của Việt Nam.

1710003_KMQH.jpgVới đa số phiếu tán thành, trong phiên họp được truyền hình trực tiếp chiều 28-11, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết phê chuẩn Nghị định thư gia nhập Hiệp định thành lập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) của Việt Nam. 

Nghị quyết nêu rõ yêu cầu đối với Quốc hội, Chính phủ trong việc tiếp tục rà soát các văn bản pháp luật để sửa đổi và ban hành bổ sung những văn bản pháp luật phù hợp với các cam kết trong WTO; xây dựng chương trình kế hoạch hành động cụ thể để triển khai các cam kết này.

Trước khi tiến hành thủ tục pháp lý cuối cùng này để trở thành thành viên chính thức của WTO, Quốc hội đã dành gần trọn ngày làm việc hôm nay để nghe Tờ trình của Chủ tịch nước đề nghị Quốc hội phê chuẩn việc Việt Nam gia nhập WTO, báo cáo của Chính phủ về kết quả đàm phán, báo cáo thẩm tra của Uỷ ban thường vụ Quốc hội và thảo luận trực tiếp tại hội trường về những vấn đề liên quan.

Báo cáo của Chính phủ do Bộ trưởng Thương mại Trương Đình Tuyển trình bày đã nêu rõ tiến trình đàm phán gia nhập WTO trong hơn 11 năm qua, giải trình kết quả đàm phán, đánh giá tác động của việc gia nhập WTO, việc phê chuẩn Nghị định gia nhập Hiệp định WTO và nêu ra một số kiến nghị liên quan.

Trình bày báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về việc này, Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại Vũ Mão khẳng định Quốc hội đánh giá những cam kết về chính sách chung trong WTO là phù hợp với đường lối đổi mới và chủ trương hội nhập quốc tế của Đảng và Nhà nước Việt Nam, phù hợp với hiến pháp và pháp luật của Việt Nam.

Liên quan đến một lĩnh vực được đông đảo cử tri quan tâm là chính sách trợ cấp đối với nông sản, Quốc hội yêu cầu Chính phủ căn cứ vào quy định của WTO và thông lệ quốc tế để phân biệt rõ những hình thức hỗ trợ được phép và không được phép để làm cơ sở cho những chính sách cụ thể trong phát triển nông nghiệp, bảo đảm lợi ích của phần đông dân số là nông dân.

Đối với một ngành hàng nhạy cảm khác được chú trọng là dệt may, Quốc hội yêu cầu Chính phủ giải thích rõ về cơ chế áp dụng biện pháp tự về đặc biệt trong xuất nhập khẩu, phân tích mối quan hệ giữa cơ chế này với cơ chế theo dõi hàng dệt may nhập khẩu và tự khởi kiện chống bán phá giá của Hoa Kỳ để làm cơ sở cho doanh nghiệp chủ động kế hoạch sản xuất và xuất khẩu.

Hoan nghênh kết quả đàm phán đạt được lộ trình 5 năm cho việc cắt giảm dần những ưu đãi đầu tư dành cho sản xuất hàng xuất khẩu nhưng Quốc hội cũng yêu cầu Chính phủ có lộ trình điều chỉnh chính sách trợ cấp, tiến tới loại bỏ hoàn toàn trợ cấp đối với hàng phi nông sản.

Về vấn đề sở hữu trí tuệ, Chủ nhiệm Uỷ ban Vũ Mão nêu rõ, Quốc hội nhất trí đề nghị của Chính phủ về việc áp dụng trực tiếp các cam kết với WTO liên quan đến bảo hộ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ, đồng thời yêu cầu Chính phủ có những chính sách kịp thời ngăn chặn vi phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Liên quan đến những cam kết mở cửa thị trường hàng hoá và dịch vụ, Quốc hội cũng yêu cầu Chính phủ có biện pháp giải quyết tốt mối quan hệ giữa bảo hộ sản xuất trong nước với hàng nhập khẩu chất lượng tốt, giá thành hạ và đảm bảo nguồn thu của ngân sách nhà nước và trong trường hợp cần thiết điều chỉnh lộ trình phù hợp để nâng cao khả năng cạnh tranh của một số mặt hàng.

Khẳng định một lần nữa những cơ hội do việc gia nhập WTO mang lại, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cũng chỉ ra những thách thức và những việc cần làm khi trở thành thành viên của tổ chức này, bao gồm cả yêu cầu đối với Quốc hội là tiếp tục rà soát pháp luật cho tương thích với những cam kết trong WTO, minh bạch hoá quá trình xây dựng pháp luật.

Trong phần thảo luận trực tiếp tại hội trường, các đại biểu Quốc hội tiếp tục phân tích về những cơ hội, thách thức của việc gia nhập WTO mang lại đối với nền kinh tế, đối với xã hội và với người dân. Nhiều đại biểu yêu cầu phân tích kỹ các thách thức, rủi ro trong quá trình hội nhập để có kế hoạch cụ thể đối phó về lâu dài, giảm thiểu những tác động tiêu cực đối với phát triển kinh tế, văn hoá, nhất là đối với sự phân hoá xã hội, khoảng cách giàu nghèo, thất nghiệp gia tăng.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng đã phát biểu khẳng định những nỗ lực vượt bậc của đoàn đàm phán Chính phủ, của các ngành các cấp để thành công trong việc gia nhập WTO; nêu rõ những việc cần làm đối với Quốc hội, Chính phủ và các ngành, các địa phương để đón nhận cơ hội và đối phó với thách thức do việc gia nhập WTO mang lại. (TTXVN)

Tin xem nhiều