Báo Đồng Nai điện tử
En

Không tăng giá điện sinh hoạt của 80% dân

09:11, 28/11/2006

Trong 2 giờ đăng đàn Quốc hội chiều 27/11, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã thắng thắn trả lời hàng loạt vấn đề "nóng" như quy hoạch "treo", tăng giá điện, lạm dụng nhà công, cải cách tiền lương... Thủ tướng khẳng định, đề án tăng giá điện sẽ không nhắm vào nông thôn, dân nghèo thành thị.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Ảnh: Tuổi Trẻ.

Trong 2 giờ đăng đàn Quốc hội chiều 27/11, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã thắng thắn trả lời hàng loạt vấn đề "nóng" như quy hoạch "treo", tăng giá điện, lạm dụng nhà công, cải cách tiền lương... Thủ tướng khẳng định, đề án tăng giá điện sẽ không nhắm vào nông thôn, dân nghèo thành thị.

Tại kỳ họp này, các thành viên Chính phủ nhận được 168 chất vấn. Các chất vấn dành cho Thủ tướng tập trung vào 3 nhóm vấn đề lớn. Thứ nhất, tốc độ tăng trưởng cao nhưng kinh tế chưa có biến chuyển rõ nét. Thứ hai, thủ tục hành chính phiền hà gây khó khăn cho người dân. Thứ ba, tình trạng tham nhũng còn nghiêm trọng, đặc biệt trong quản lý đất đai, quản lý tài sản công, nhất là nhà công vụ.

Giá điện sản xuất chắc chắn tăng

Ngay sau khi Thủ tướng kết thúc phần trả lời chất vấn bằng văn bản, đại biểu Đỗ Trọng Ngoạn đề cập đến câu chuyện thời sự là đề án tăng giá điện. "Xin Thủ tướng cho biết, việc tăng giá là do bất khả kháng hay do tổ chức ngành điện cồng kềnh, lãng phí. Nếu chưa tăng giá điện mà tăng thuế rượu, thuốc lá và áp dụng các biện pháp tiết kiệm điện có được không?".

Người đứng đầu Chính phủ cho biết, giá điện của VN hiện thấp hơn khu vực. Nhà nước đang phải mua 15% lượng điện từ Trung Quốc, sau đó bán giá thấp. Năm 2006, khoản bù lỗ này lên tới hơn 3.000 tỷ và nếu không điều chỉnh giá điện thì năm 2007 sẽ lỗ hơn 4.000 tỷ đồng. Tổng công ty Điện lực cũng đã tìm các giải pháp giảm tổn thất điện năng dưới 11% (so với 20% vài năm trước). Tuy nhiên, vẫn không thể bù đắp được chi phí sản xuất.

"Nếu chúng ta khuyến khích đầu tư vào ngành điện mà "mua cao bán thấp" thì sẽ không có ai vào. Giá điện không thể bao cấp tràn lan, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh thì không thể bao cấp vì chúng ta đang hội nhập quốc tế. Nếu bao cấp điện thì các ngành sản xuất sẽ hạch toán không đúng với thị trường", Thủ tướng phân tích.

Theo Thủ tướng, Chính phủ rất quan tâm đến đời sống của người dân ở nông thôn và những hộ nghèo tại thành thị. Hiện nông thôn chiếm khoảng 75% số hộ tiêu thụ nhưng chỉ sử dụng 15% tổng sản lượng điện. Hộ nghèo ở đô thị (tiêu thụ không quá 100 kW mỗi tháng) chiếm khoảng 5,7%. Như vậy, 80% dân số (ở nông thôn, dân nghèo thành thị) chỉ sử dụng 21% sản lượng điện.

Thủ tướng cho biết, đã yêu cầu ngành điện xây dựng lại phương án tăng giá điện theo hướng không tăng giá điện sinh hoạt với 80% dân số trên.

"Trong giờ giải lao, đồng chí Nông Đức Mạnh có nhắc tôi nói với Quốc hội về việc tiết kiệm điện. Năm 2006, cả nước đã giảm 50% lượng chiếu sáng ngoài đường và 10% điện tiêu thụ ở công sở. Song song với việc tăng giá, Chính phủ cũng có đề án tiết kiệm điện", Thủ tướng nói.

Quy hoạch "treo", Thủ tướng nhận trách nhiệm

Trước chất vấn của đại biểu Đỗ Trọng Ngoạn về quy hoạch treo, Thủ tướng cho biết, đây là hạn chế của Chính phủ. Với tư cách người đứng đầu Chính phủ, ông xin nhận trách nhiệm về sự yếu kém này.

Chưa hài lòng với trả lời của Thủ tướng, đại biểu Đỗ Trọng Ngoạn đặt câu hỏi: "Xin Thủ tướng đánh giá thiệt hại do quy hoạch "treo", trách nhiệm của Thủ tướng trong vấn đề này đến đâu. Cử tri rất bức xúc trước tình trạng thất thoát vốn ODA, xin Thủ tướng cho biết, có thu hồi thất thoát được không và việc xử lý cá nhân sai phạm như thế nào?".

"Mọi việc đều có hai mặt, bên cạnh cái được cũng có khuyết điểm. Là người đứng đầu Chính phủ, tôi có trách nhiệm về vấn đề này. Nhưng quy hoạch của ta có vấn đề lịch sử, khi chuyển sang kinh tế thị trường thì quy hoạch không sát thực tế và kéo dài. Với các trường hợp cán bộ quy hoạch sai, thì sai đến đâu xử lý đến đó", Thủ tướng nói.

Vấn đề rút vốn ODA, trách nhiệm của Chính phủ là quản lý nhà nước, ban hành chính sách. Nếu xét trên phương diện này, Chính phủ đã rất cố gắng ban hành các văn bản. "Thời gian qua, những vụ việc thanh tra phát hiện, Chính phủ cũng đều xử lý nghiêm khắc cá nhân sai phạm. Nếu đồng chí Ngoạn phát hiện chỗ nào có tham nhũng nhưng chưa xử lý xin thông báo cho tôi", Thủ tướng nói.

Phía dưới hội trường, Bộ trưởng Kế hoạch Đầu tư Võ Hồng Phúc nở nụ cười tươi.

Cấp nhà sai quy định hiện hành sẽ phải thu hồi

Theo Thủ tướng, TƯ Đảng đã có Nghị quyết về phòng chống tham nhũng, Quốc hội đã ban hành Luật phòng chống tham nhũng, Ban chỉ đạo TƯ về phòng chống tham nhũng cũng được thành lập. Cơ sở pháp lý, văn bản đã có, vấn đề còn lại quyết tâm của mỗi cá nhân, đơn vị. Trong đó, người lãnh đạo phải chịu trách nhiệm cao nhất về tình trạng tham nhũng tại đơn vị, cơ quan mình. Lãnh đạo để tham nhũng kéo dài phải bị thay thế.  

"Bộ trưởng Xây dựng và Bộ trưởng Tài chính đã đề cập về vấn đề nhà công, tôi xin nói thêm về vấn đề này. Quá trình hình thành nhà công khá phức tạp, có yếu tố lịch sử trong từng thời kỳ và theo Nghị quyết của Quốc hội thì không thể hồi tố. Không thể lấy quy định hiện hành để soi lại những vấn đề mang tính chủ trương của Đảng, nhà nước trong những giai đoạn nhất định", Thủ tướng nói.

Tuy nhiên, người đứng đầu Chính phủ cũng khẳng định, khi có đã có quy định, các trường hợp làm sai sẽ kiên quyết xử lý, thu hồi. Tiếp tục chủ đề nhà công, đại biểu Nguyễn Thị Hằng Nga nêu câu hỏi: "Nếu kết quả giám sát cho thấy việc bán nhà tạo siêu lợi nhuận cho một số người thì Thủ tướng xử lý thế nào?".

"Tôi có yêu cầu rà soát nhà công theo Nghị định 61, các trường hợp sai phạm tùy theo tính chất mức độ xử lý. Thí dụ, Nghị định 61 quy định nhà ở cho thuê thì mới được bán. Nếu công sở muốn chuyển công năng thành nhà ở để bán thì chỉ Thủ tướng có quyền quyết định", Thủ tướng nói.

Lần lượt trả lời lưu loát các chất vấn của đại biểu, nhưng cuối buổi chiều nay, Thủ tướng đã phải chững lại trước câu hỏi của nữ đại biểu Nguyễn Thị Kim Thoa. "Cử tri rất mừng khi Chính phủ tăng lương tháng tối thiểu từ 350.000 đồng lên 450.000 đồng. Nhưng mức lương ấy vẫn chưa đáp ứng đời sống hằng ngày và chưa tạo động lực cho cán bộ phấn đấu. Cử tri thắc mắc khi nào Thủ tướng khởi động lại cơ bản đề án tăng lương?".

Thoáng chút bối rối, Thủ tướng nói: "Một câu hỏi quá khó. Nếu đặt vấn đề tiền lương hiện nay đã tạo động lực phấn đấu cho người dân chưa thì tôi thấy cũng phải tăng lương hơn nữa, nhưng lực bất tòng tâm. Lương của VN đang thấp hơn Lào và Campuchia".

Theo người đứng đầu Chính phủ, muốn cải cách tiền lương cần phải có lộ trình. Nguồn thu hằng năm, còn phải chi cho đầu tư phát triển, giáo dục đào tạo.., không thể dành 70-80% GDP cho cải cách tiền lương. Đầu tư cho phát triển kinh tế phải là mấu chốt, kinh tế phát triển, nguồn thu tăng thì lương sẽ tăng theo.

Năm 2006, GDP dự kiến đạt 8,2% thấp hơn năm ngoái (8,43%). Theo Thủ tướng, năm nay cả 3 khu vực nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ đều tăng thấp hơn 2005. Ví dụ nông nghiệp có dịch rầy nâu, vàng lùn đã gây thiệt hại gần 900.000 tấn lúa tương đương 2.000 tỷ đồng. Về công nghiệp, do yếu tố kỹ thuật nên sản lượng dầu thô xuất khẩu giảm 1,4 triệu tấn, khoảng 1.300 tỷ đồng.

"Tôi kiến nghị Quốc hội là năm 2007 chỉ nên xác định tăng trưởng GDP 8,2- 8,5% là phù hợp, còn trong điều hành Chính phủ sẽ cố gắng đạt mức tăng trưởng cao nhất", Thủ tướng nói.

Trước ý kiến đại biểu Lưu Thị Giang về việc giao lưu trực tuyến của giữa Bộ trưởng Tài nguyên với dân, Thủ tướng tỏ ý rất tán thành: "Chúng tôi cũng yêu cầu các bộ nghiên cứu cách làm của Bộ Tài nguyên Môi trường. Cá nhân Thủ tướng cũng sẵn sàng đối thoại trực tuyến với dân".

16h30, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng kết thúc phần chất vấn trong tiếng vỗ tay dài của Quốc hội.

Theo VnExpress

Tin xem nhiều