Ngày 18/11, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, ngày làm việc thứ hai và cũng là cuối cùng của Hội nghị Thượng đỉnh các Tổng Giám đốc Doanh nghiệp APEC 2006 tiếp tục diễn ra với nhiều bài phát biểu giá trị và một số phiên thảo luận sôi nổi.
Ngày 18/11, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, ngày làm việc thứ hai và cũng là cuối cùng của Hội nghị Thượng đỉnh các Tổng Giám đốc Doanh nghiệp APEC 2006 tiếp tục diễn ra với nhiều bài phát biểu giá trị và một số phiên thảo luận sôi nổi.
Trong phiên làm việc đầu tiên của buổi sáng 18/11, các đại biểu đã lắng nghe bài phát biểu của Thủ tướng Australia John Howard và tập trung thảo luận xung quanh vấn đề Đổi mới-Sáng tạo. Cả Thủ tướng John Howard và các diễn giả đều khẳng định đổi mới-sáng tạo có mối liên hệ mật thiết với sự phát triển kinh tế, thành công trong quá trình mở cửa hội nhập cũng như lợi nhuận trong kinh doanh.
Tại phiên làm việc thứ hai, Phó Tổng thống thứ nhất của Peru Luis Giampietri cùng ông Supachai Panitchpakdi, Tổng thư ký Diễn đàn Thương mại và Phát triển Liên Hợp Quốc (UNCTAD) và ông Hoàng Văn Dũng, Chủ tịch Hội đồng tư vấn kinh doanh APEC (ABAC) đã phát biểu về những nhân tố quyết định đến sự thành công trong thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài từ bài học của một số nước trong khu vực APEC.
Phó Tổng thống Pêru Luis Giampietri nhấn mạnh đến tầm quan trọng của an ninh quốc gia trong việc tạo ra một môi trường thuận lợi cho đầu tư nước ngoài. Ông Supachai Panitchpakdi lại nhấn mạnh đến sự hợp tác giữa các nước đang phát triển để có được đầu tư nước ngoài thay vì tìm các nguồn đầu tư từ các nước phát triển.
Thủ tướng Malaysia Abdullah Badawi trong phiên thảo luận thứ ba đã có bài phát biểu chủ đạo với chủ đề "Tìm kiếm một mục đích chung trong một thế giới đa dạng". Dưới góc nhìn của Thủ tướng, mục đích chung trong thế giới đa dạng hiện nay chính là tối ưu hóa tiềm năng của con người trên mọi phương diện.
Cũng trong buổi làm việc chiều 18/11, Ngoại trưởng Mỹ Condoleezza Rice đã có bài phát biểu về tầm nhìn của Mỹ về APEC trên tất cả các loại hình hợp tác và hướng tới việc tạo dựng một cộng đồng APEC trong cả khu vực công và khu vực tư.
Bà cũng nói về quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Hoa Kỳ. Cả hai nước đã thiết lập quan hệ ngoại giao và hơn thế nữa, đã nối lại các quan hệ hợp tác, vượt qua thử thách để mang lại lợi ích cho cả hai quốc gia. Bà hy vọng Quốc hội Mỹ sẽ trao Quy chế Thương mại bình thường vĩnh viễn (PNTR) cho Việt Nam trong thời gian sớm nhất và sẽ hỗ trợ Việt Nam sau khi gia nhập WTO.
Phiên cuối cùng Hội nghị là lời giới thiệu dự án E-Manifest của Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Việt Nam Lê Mạnh Hùng. Đây là dự án đánh dấu bước đột phá trong việc ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động của Hải quan Việt Nam, là một trong những nỗ lực không ngừng của Hải quan Việt Nam hướng tới các tiêu chuẩn về đảm bảo an ninh và tạo thuận lợi cho thương mại với tư cách chủ trì các hoạt động của Tiểu ban thủ tục Hải quan APEC (SCCP) năm 2006.
H.N - (TTXVN)