Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh sởi trên địa bàn tỉnh, đặc biệt sau khi có 2 bé trai đã tử vong do bệnh sởi, nhiều phụ huynh rất lo lắng, khẩn trương đưa con đi tiêm vaccine sởi.
Bé trai 4 tuổi ngụ xã Hố Nai 3, huyện Trảng Bom được tiêm vaccine sởi tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh. Ảnh: Hạnh Dung |
Các bác sĩ liên tục nhấn mạnh, tiêm vaccine sởi là biện pháp tốt nhất giúp chủ động phòng bệnh sởi. Trường hợp mắc bệnh sau tiêm sởi (hiếm gặp) cũng sẽ bị bệnh nhẹ và nhanh bình phục hơn những người chưa tiêm vaccine.
Cả nhà tranh thủ đi tiêm vaccine
Sáng chủ nhật, sau khi ăn sáng xong, cả gia đình chị Bùi Phương Hoa, phường Trảng Dài, thành phố Biên Hòa chở nhau đến Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh (khu phố 9, phường Tân Phong, thành phố Biên Hòa) để tiêm vaccine phòng bệnh.
Chị Hoa cho biết, sau khi xem báo biết thông tin bé trai 3 tuổi ở Trảng Bom chưa tiêm vaccine sởi, mắc sởi và tử vong, chị lật đật mở sổ tiêm chủng của 2 con (13 tuổi và 8 tuổi) để kiểm tra xem đã tiêm đủ 2 mũi vaccine cho con chưa. Kết quả là con gái 13 tuổi bị lỡ lịch tiêm mũi 2 từ năm ngoái, còn con trai chưa được tiêm mũi vaccine sởi nào.
“Do bận rộn nhiều công việc nên nhiều khi tôi không chú ý đến lịch tiêm của con. Hôm nay chủ nhật, chúng tôi tranh thủ đưa 2 cháu đi tiêm sởi, còn 2 vợ chồng thì tiêm vaccine cúm và vaccine viêm gan B. Tổng số tiền tiêm 4 mũi vaccine chỉ khoảng 800 ngàn đồng mà bảo vệ được sức khỏe cho cả nhà, giúp mình an tâm” - chị Hoa cho hay.
Chị Trần Thu Huệ, ngụ xã Thiện Tân, huyện Vĩnh Cửu cũng tranh thủ đầu giờ buổi sáng để đưa con trai năm nay học lớp 2 đi tiêm vaccine sởi.
Chị Huệ cho hay, ngay sau khi biết tin Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã có vaccine sởi trở lại, chị đã xin phép nơi làm việc cho nghỉ làm buổi sáng và đưa con đi tiêm.
“Tôi nghĩ rằng bệnh tật có thể đến bất kỳ lúc nào và không trừ bất kỳ ai nên với những bệnh đã có vaccine phòng ngừa, gia đình tôi đều sẽ tiêm đầy đủ. Thà bỏ tiền để tiêm vaccine còn hơn bỏ tiền, thời gian, công sức để điều trị bệnh tại bệnh viện, khi đó sẽ rất vất vả” - chị Huệ bày tỏ suy nghĩ của mình.
Vợ chồng anh Đậu Đình Nguyên, xã Thạnh Phú, huyện Vĩnh Cửu đưa 2 con trai đi tiêm vaccine sởi sáng 1-12. Ảnh: Hạnh Dung |
Dược sĩ Nguyễn Thị Ngọc Mai, Phụ trách Trạm Y tế phường Long Bình, thành phố Biên Hòa cho biết, trạm y tế tiến hành tiêm chủng mở rộng vào các ngày 5, 6, 7, 8 tháng 12, trong đó có cả vaccine sởi. Những trẻ nào từ 1-10 tuổi mà chưa được tiêm vaccine trong chiến dịch tiêm sởi vừa qua hoặc chưa tiêm đủ 2 mũi vaccine sởi có thể đến trạm để được tiêm miễn phí.
Ngoài Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, người dân còn có thể đi tiêm vaccine sởi dịch vụ tại các trung tâm, đơn vị tiêm chủng trên địa bàn tỉnh như Trung tâm tiêm chủng VNVC, Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai, Bệnh viện Đồng Nai 2… Nếu muốn tiêm chủng vaccine sởi miễn phí, phụ huynh cần liên hệ với các trạm y tế nơi mình sinh sống để biết được lịch tiêm trong chương trình Tiêm chủng mở rộng để đưa trẻ đi tiêm (thường vào các ngày đầu tháng).
Cần tiêm đúng, tiêm đủ liều vaccine
Theo kế hoạch của chương trình Tiêm chủng mở rộng, trẻ sẽ được tiêm 2 liều vaccine sởi. Liều thứ nhất là ngay khi trẻ đủ 9 tháng tuổi, liều thứ 2 khi trẻ được 18 tháng tuổi. Việc tiêm vaccine sởi đúng lịch, đầy đủ có ý nghĩa quan trọng, giúp tạo miễn dịch sớm để bảo vệ trẻ không bị mắc bệnh. Nếu trẻ không được tiêm đủ số mũi vaccine và đúng lịch sẽ có nguy cơ cao mắc bệnh.
Bác sĩ Hồ Thị Hồng, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh nhấn mạnh, các nghiên cứu trên thế giới cho thấy nếu tiêm 1 mũi vaccine sởi vào lúc 9 tháng tuổi, chỉ có khoảng 85% trẻ được tiêm có đáp ứng miễn dịch. Còn lại khoảng 15% số trẻ không có đáp ứng miễn dịch.
Diễn biến dịch bệnh sởi theo tuần trên địa bàn tỉnh Đồng Nai từ đầu năm 2024 đến nay liên tục tăng, chưa có dấu hiệu suy giảm. Ảnh: CDC |
Việc tiêm mũi vaccine sởi thứ 2 khi trẻ 18 tháng tuổi là cơ hội thứ 2 để tạo miễn dịch cho những trường hợp chưa có đáp ứng miễn dịch sau mũi tiêm thứ nhất. Từ đó tăng tỷ lệ trẻ có miễn dịch trong cộng đồng lên trên 95%. Với tỷ lệ miễn dịch trong cộng đồng trên 95% có thể cắt được sự lây truyền của dịch bệnh sởi trong cộng đồng.
Đầu tháng 11 vừa qua, Bộ Y tế đã phê duyệt cho phép Thành phố Hồ Chí Minh (địa phương đầu tiên của cả nước công bố dịch sởi) được tiêm vaccine sởi đơn cho trẻ từ 6 tháng tuổi đến dưới 9 tháng tuổi. Qua đó nhằm tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch trong giai đoạn cao điểm. Đến nay, thành phố đã triển khai tiêm hơn 3 ngàn mũi vaccine sởi đơn cho trẻ trong độ tuổi này.
Thực tế cho thấy, trên địa bàn tỉnh Đồng Nai cũng đã ghi nhận nhiều trường hợp trẻ dưới 9 tháng tuổi mắc bệnh sởi, trong đó có những trẻ mới 4,5 tháng tuổi.
Bác sĩ chuyên khoa II Lưu Văn Dũng, Phó giám đốc Sở Y tế cho hay, để tạo miễn dịch cho trẻ dưới 9 tháng tuổi, phụ nữ trước khi mang thai cần tiêm đủ các mũi vaccine cần thiết, trong đó có vaccine sởi - rubella. Sau khi sinh con, cần cho con bú hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu bởi sữa mẹ là tốt nhất cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Qua đó, giúp trẻ có thêm đề kháng, hạn chế mắc các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm.
Từ đầu năm 2024 đến nay, toàn tỉnh đã ghi nhận hơn 3 ngàn ca mắc sởi, 2 trường hợp tử vong. Có nhiều trường hợp mắc sởi nặng phải thở máy, thở oxy. Thành phố Biên Hòa đang dẫn đầu toàn tỉnh với gần 1,2 ngàn ca mắc sởi, tiếp đến là huyện Trảng Bom với hơn 600 ca. Huyện Cẩm Mỹ là địa phương có số ca mắc sởi thấp nhất với 27 ca.
Hạnh Dung
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin