Theo báo cáo của UBND tỉnh, năm 2024, dân số của Đồng Nai là hơn 3,3 triệu người, trong đó có hơn 32,6 ngàn trẻ em đã được sinh ra trong năm nay.
Biểu đồ thể hiện tỷ lệ dân số theo độ tuổi trên địa bàn tỉnh Đồng Nai năm 2024. Đồ họa: Lê Duy |
Số con trung bình của phụ nữ đạt 1,52 con/phụ nữ (dưới mức sinh thay thế là 2,1 con/phụ nữ). Đồng Nai là một trong 21 tỉnh, thành có mức sinh thấp của cả nước. Tỷ số giới tính khi sinh là 108 bé trai/100 bé gái.
Năm 2024, số ca phá thai ngoài ý muốn trên địa bàn tỉnh là 2.776 ca, giảm gần 600 ca so với năm ngoái và giảm hơn 1,9 ngàn ca so với năm 2017.
Trước thực trạng trên, công tác tư vấn và khám sức khỏe trước khi kết hôn đã được chú trọng hơn. Có hơn 7,4 ngàn trẻ vị thành niên, thanh niên và hơn 6,7 ngàn cặp nam – nữ đã được tư vấn, khám sức khỏe tiền hôn nhân. Tỷ lệ thai phụ được sàng lọc trước sinh đạt 77%. Qua sàng lọc đã phát hiện 63 trường hợp thai nhi nghi ngờ mắc dị tật.
Tuổi thọ trung bình của người dân tỉnh Đồng Nai là 76,2 tuổi, cao hơn tuổi thọ bình quân của cả nước; 100% người cao tuổi có thẻ bảo hiểm y tế, được quản lý sức khỏe, được khám, chữa bệnh, được chăm sóc tại gia đình, cộng đồng, cơ sở chăm sóc tập trung; khoảng 95% dân số được quản lý trong hệ thống dữ liệu dân cư.
Trước tình trạng mức sinh thấp, chiến lược dân số hiện nay trên cả nước nói chung và tại Đồng Nai nói riêng đã thay đổi từ dân số kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển. Khẩu hiệu về công tác dân số cũng được thay đổi từ “Mỗi cặp vợ chồng chỉ nên có từ 1-2 con” chuyển sang thành “Mỗi cặp vợ chồng nên sinh đủ 2 con”.
Năm 2024, số ca phá thai ngoài ý muốn trên địa bàn tỉnh là 2.776 ca, giảm gần 600 ca so với năm ngoái và giảm hơn 1,9 ngàn ca so với năm 2017.
Chăm sóc sức khỏe sinh sản cho thai phụ tại Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất. Ảnh: Hạnh Dung |
Thống kê của Bộ Y tế, năm 2023, quy mô dân số của Việt Nam là 104 triệu dân, đứng thứ 15 trên thế giới và thứ 3 ở Đông Nam Á. Tốc độ tăng dân số ở Việt Nam là 0,84%. Số lượng và tỷ trọng dân số ở độ tuổi lao động chiếm gần 70%, vẫn đang trong giai đoạn cơ cấu dân số vàng. Chất lượng dân số được cải thiện toàn diện, tuổi thọ trung bình tăng nhanh, từ 65,5 tuổi năm 1993, lên 74,5 tuổi năm 2023, cao hơn nhiều quốc gia có cùng mức thu nhập bình quân đầu người.
Tại hội nghị tổng kết công tác y tế năm 2024 mới đây, Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan nhấn mạnh, mặc dù đạt được nhiều thành tựu nhưng công tác dân số hiện đang đối mặt với nhiều thách thức. Đó là việc duy trì vững chắc mức sinh thay thế trên phạm vi toàn quốc chưa thật sự bền vững, xuất hiện xu thế mức sinh xuống thấp (năm 2023 ước tính là 1,96 con/phụ nữ, thấp nhất trong lịch sử và dự báo tiếp tục giảm trong những năm tiếp theo). Tốc độ già hóa dân số nhanh và sẽ sớm bước qua thời kỳ dân số vàng.
Trong năm 2025, Bộ Y tế tiếp tục triển khai các đề án như Kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh; điều chỉnh mức sinh phù hợp với các vùng, đối tượng; chăm sóc sức khỏe người cao tuổi…
Hạnh Dung
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin